Kiểm kê khí nhà kính ngành năng lượng – nhóm phát thải lớn nhất
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/02/2016
Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan bắt đầu triển khai Hệ thống kiểm kê quốc gia về khí nhà kính nhằm thu thập số liệu, phục vụ công tác quản lý, giám sát phát thải khí nhà kính trong nước. 5 lĩnh vực kiểm kê là: Năng lượng (bao gồm Giao thông vận tải); Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp; LULUCF; Chất thải.
Yêu cầu số liệu phát thải của lĩnh vực năng lượng có 2 tiểu lĩnh vực kiểm kê là đốt nhiên liệu và phát tán. Trong đó, tiểu lĩnh vực đốt nhiên liệu được chia thành các nguồn: Công nghiệp sản xuất năng lượng; Công nghiệp và xây dựng; Giao thông vận tải; Thương mại, dịch vụ; Dân dụng; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và Các ngành không sử dụng năng lượng. Tiểu lĩnh vực phát tán gồm: Khai thác than; khai thác dầu và khí.
Toàn cảnh hội thảo |
Kỳ kiểm kê lần này, quá trình kiểm soát, đánh giá chất lượng kiểm kê ((viết tắt là QA) lần đầu tiên được thực hiện nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao chất lượng các kết quả kiểm kê. Đơn vị, chuyên gia không trực tiếp tham gia kiểm kê lĩnh vực cần QA sẽ thực hiện nhiệm vụ này, cụ thể trong lĩnh vực thí điểm là năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) được đề xuất đánh giá về số liệu hoạt động, phương pháp kiểm kê và kết quả kiểm kê cho lĩnh vực năng lượng mà Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (IMHEN) thực hiện kiểm kê.
Theo ông Quách Tấn Quang, Trung tâm Bảo vệ tầng ô zôn (Bộ TN&MT), quá trình kiểm soát, đánh giá chất lượng kiểm kê là yêu cầu của quá trình kiểm kê khí nhà kính mà đến khi có hệ thống kiểm kê hoàn chỉnh, chúng ta mới có điều kiện thực hiện. Năng lượng được lựa chọn thí điểm bởi đây là lĩnh vực có lượng phát thải lớn nhất và đang tập trung nhiều giải pháp cắt giảm, cần có những đánh giá hiệu quả bước đầu. Đây là cơ sở phát triển công tác QA cho các lĩnh vực khác trong lần kiểm kê tiếp theo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH Nguyễn Khắc Hiếu cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam vào tháng 12/2015, tạo cột mốc quan trong trong công tác kiểm kê KNK nói riêng và công tác giảm phát thải của Việt Nam nói chung. Đây là nền tảng pháp lý để tiến hành các hoạt động kiểm kê một cách đồng bộ, xây dựng các kịch bản phát thải thông thường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế các bon thấp, tăng trưởng xanh; phục vụ đo đạc, báo cáo và thẩm định các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cho Công ước khí hậu. “Trong bối cảnh các yêu cầu của quốc tế và triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết của Việt Nam, nếu không có số liệu kiểm kê này sẽ rất khó khăn trong minh bạch, giám sát, quản lý vấn đề hiệu quả giảm phát thải”, ông Hiếu nhấn mạnh. |
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản quy định liên quan đến kiểm kê KNK. Thời gian thực hiện kiểm kê cho Thông báo Quốc gia lần 3 là từ tháng 1- 12/2016. Sau 2020, hệ thống sẽ được hoàn thiện, thực hiện kiểm kê KNK 2 năm 1 lần phục vụ xây dựng các Báo cáo quốc gia, từ đó tăng cường công tác quản lý, giám sát phát thải KNK, MRV các hoạt động giảm phát thải của Việt nam, phục vụ thực hiện NDC của Việt Nam cho Công ước khí hậu.
Quá trình kiểm kê sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lồng ghép việc thu thập, tổng hợp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống chỉ tiêu thống kê. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, phân tích và tính toán kiểm kê lượng phát thải/hấp thụ khí của từng lĩnh vực.
Khánh Ly