Xã An Sinh 20 năm trồng và bảo vệ rừng
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/02/2016
(TN&MT) - Sau 20 năm, bằng tấm lòng tâm huyết, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân của xã An Sinh, huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã làm lên những cánh rừng mướt màu xanh, thẳng tắp những cây gỗ quý…Trước đây, An Sinh là vùng đất “khô cằn sỏi đá” với đồi, núi “trọc lóc” hoang vu, mọc toàn cỏ dại, dây leo chằng chịt.
Để có được màu xanh của những cánh rừng hôm nay, với nhiều cây gỗ quý lớn; to gần bằng một người ôm, các hộ trồng rừng đã đổ không ít mồ hôi, công sức. 20 năm về trước, khi bắt tay vào “khởi nghiệp” với quyết tâm vì màu xanh của núi đồi, tạo môi trường sống trong lành, nhiều câu chuyện vẫn được người dân truyền kể.
Câu chuyện của người đầu tiên nhận khoán rừng, anh Nguyễn Thắng Gắn, thôn Kim Xuyên 4 đưa chúng tôi về ngày đầu tiên “gian khó” anh cùng gia đình bắt tay vào trồng rừng. Anh Gắn không thể quên thời điểm 20 năm về trước, núi đồi An Sinh còn thưa thớt, chỉ có cỏ dại, dây leo chằng chịt và các loại cây không có giá trị. Chủ trương phủ xanh “đất trống, đồi trọc” nhưng nhìn những quả đồi khô cằn; toàn đá sỏi chẳng ai dám nhận, bởi để trồng, chăm sóc và bảo vệ được rừng quả là điều nan giải…
Quyết tâm tiên phong cho quê hương một màu xanh mới, anh Gắn nhận trồng 2 ha rừng . Những ngày đầu nhận khoán, ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối mịt anh và người thân trong gia đình cần mẫn lên núi phát quang cây dại, chọn các cây ăn quả "dễ tính" như mít, na, vải, nhãn... để trồng. Một thời gian sau thấy những cây này không phù hợp với thổ nhưỡng nên gia đình anh Gắn chuyển dần sang trồng các loại cây: lim, keo, sến, táu...
Trồng rừng với biết bao khó khăn, vất vả, nhưng tìm nguồn nước để tưới cho cây là việc khó khăn nhất. Gia đình anh Gắn phải thuê máy khoan nhiều nơi quanh khu vực cây trồng, mới tìm được mạch nước ngầm. Nhờ có nguồn nước tưới nên cây trên đồi đều lên xanh tốt, như thêm nguồn động lực cho anh gắn bó với rừng, nhân rộng thêm diện tích trồng.
Anh Nguyễn Thắng Gắn, người đầu tiên trồng rừng ở xã An Sinh |
Gần cánh rừng của anh Gắn là rừng của gia đình ông Nguyễn Kim Sáng, xóm Đồng Gạo. Ông Sáng là người yêu thiên nhiên, hiểu giá trị màu xanh của rừng mang lại cuộc sống nên khi được UBND xã vận động trồng rừng, mặc dù tuổi cao, song ông vẫn nhiệt tình nhận trồng và chăm sóc 1/2 ha. Yêu rừng như nhà, chăm sóc rừng như đứa con trong gia đình, nên cây rừng nhà ông luôn xanh tốt. Không một ngày nào, ông Sáng không lên “ngắm ngía” từng cây; phát dọn cành, thu lá khô để cây vươn cao lấy được nhiều ánh sáng, giảm nguy cơ cháy rừng.
Khi vào mùa khô và mùa lễ hội, du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh… Ông Sáng ở lại luôn trên rừng để nhắc nhở du khách không đốt lửa, hút thuốc lá. Chính vì thế mà từ khi nhận khoán rừng đến nay chưa năm nào rừng của gia đình ông bị cháy. Từ hiệu quả trồng rừng của anh Gắn, ông Sáng nên đã có 200 hộ dân trong xã An Sinh học tập, làm theo nhận khoán tổng số 110 ha rừng. Các hộ gia đình này, đều là những người tâm huyết với rừng. Người trồng rừng ở xã An Sinh đều chung tâm niệm: Vì đồi núi xanh tươi, môi trường được cải thiện. Chính vì vậy, họ không hề so bì khi mà công sức bỏ ra nhiều để trồng, bảo vệ rừng, nhưng chỉ được Nhà nước trả vẻn vẹn 180.000 đồng/ha/năm.
Trồng rừng đã khó, nhưng để bảo vệ được thành quả lại càng khó hơn; bởi nếu không chỉ cần chút “sơ sểnh” thì công sức hàng chục năm trời, của hàng trăm con người sẽ bị thiêu rụi, nên công tác phòng chống cháy rừng, được xã An Sinh đặc biệt quan tâm. Do địa bàn xã có một phần quần thể di tích đền Cao, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương nên vào những ngày đầu xuân và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nơi đây đón rất nhiều du khách thập phương đến lễ chùa, ngắm cảnh dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao.
Để đề phòng hỏa hoạn, khi bắt đầu phát triển rừng trồng, xã An Sinh đã thành lập 1 đội phòng chống cháy rừng gồm 120 người, do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách. Vào mùa lễ hội và mùa khô, đội huy động 100% quân số làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp cháy rừng. Những ngày lễ hội, địa phương dựng băng ghi âm tuyên truyền, đặt các biển cấm hút thuốc dọc đường lên di tích nhằm nhắc nhở du khách không hút thuốc, vứt tàn thuốc bừa bãi để phòng chống cháy rừng.
Trước mùa khô, UBND xã vận động các hộ nhận khoán rừng chủ động các biện pháp bảo vệ: thu dọn lá khô, tạo các đường băng ngăn lửa, chủ động nguồn nước nếu xảy ra cháy rừng.
Không chỉ sự nỗ lực, trách nhiệm bảo vệ rừng của cấp ủy đảng, chính quyền xã An Sinh mà các hộ nhận khoán rừng đề ra nguyên tắc là phải cùng nhau bảo vệ rừng, coi rừng người khác cũng như rừng nhà mình, không được chặt hoặc phá hoại rừng của nhau. Mỗi khi cần hỗ trợ thì tất cả phải cùng chung sức giúp đỡ, đã từ lâu trở thành nguyên tắc “bất di, bất dịch”.
Trong ngút ngàn màu xanh, những cây gỗ quý thẳng tắp của cánh rừng An Sinh vi vu trong gió, chúng tôi càng thêm hiểu câu “rừng là vàng” khi người trồng rừng nơi đây đã nhận thức ra, dầy công trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Bài & ảnh: Phạm Hoàng