Thanh Hóa: Báo động ô nhiễm tại khu vực nông thôn, miền núi

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/02/2016

(TN&MT) - Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hiện nay dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và miền núi chiếm khoảng 88,5%, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 1.200 – 1.500 tấn/ngày, thế nhưng công tác thu gom mới chỉ đạt 55 – 60%, cùng với đó tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất BVTV không đúng chủng loại, nguồn gốc xuất xứ… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn và miền núi còn nhiều hạn chế, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt 55 – 60%, các bãi rác chủ yếu là bãi chứa rác tạm, rác thải hầu hết chỉ được đổ đống và đốt mà chưa được san gạt, đầm nén, lấp phủ đất, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, không sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất BVTV không đúng chủng loại, kỹ thuật, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại hóa chất BVTV bị cấm và hạn chế sử dụng trong canh tác nông nghiệp vẫn đang diễn ra. Các chai lọ, vỏ, bao gói hóa chất BVTV sau khi sử dụng đều được người dân vứt bỏ tại bờ ruộng hoặc xuống các kênh tiêu thoát nước. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa còn 41 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, trong đó có 4 điểm nằm trong khuôn viên các trường học (Trường THCS Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc; Trường Mầm non Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia; Trường THCS Thiệu Viên và Trường THCS Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa) chưa được xử lý, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm, đặc biệt là sức khỏe của các thầy cô giáo và các em học sinh.

Trường THCS Vĩnh Tiến một trong những điểm tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm tại huyện vĩnh Lộc
Trường THCS Vĩnh Tiến một trong những điểm tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm tại huyện vĩnh Lộc

Ngoài ra, chất thải trong chăn nuôi hầu như chưa được thu gom và xử lý triệt để, thải trực tiếp xuống ao hồ, đồng ruộng hoặc các hệ thống kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm xung quanh khu vực tiếp nhận.

Tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, sử dụng các phương pháp có tính hủy diệt, sử dụng chất nổ, xung điện… gây nên hiện tượng mất cân bằng hệ sinh thái. Cùng với đó việc khai thác khoáng sản chưa hợp lý dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất tinh bột sắn, mía đường, cồn, men… đã tác động lớn đến chất lượng nguồn nước các hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Âm. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước tại sông Mã, sông Bưởi, sông Yên, sông Hoạt… không đảm bảo mục đích cung cấp nước sinh hoạt và bị ô nhiễm bới các chỉ tiêu BOD5, COD, TSS, NH4+…

Không những thế, khu vực miền núi đất canh tác có dấu hiệu bị suy thoái do sạt lở, rửa trôi, xói mòn ở các khu vực có địa hình dốc và chia cắt mạnh, khu vực cửa sông, ven biển có hiện tượng đất bị mặn hóa, phèn hóa, xâm nhập mặn sâu, đặc biệt là các lưu vực sông Mã, sông Yên thuộc các vùng ven biển huyện Hậu Lộc, Nga Sơn.

Nước biển ven bờ tại các khu nuôi trồng hải sản, khu neo đậu tránh trú bão, hàm lượng dầu mỡ khoáng và chất rắn lơ lửng đo được có xu hướng cao hơn so với các vị trí khác, hàm lượng COD vượt quy chuẩn cho phép vượt từ 1,33 – 29,3 lần.

Ô nhiễm nghiêm trọng tại bãi rác của huyện miền núi Như Thanh
Ô nhiễm nghiêm trọng tại bãi rác của huyện miền núi Như Thanh

Nguyên nhân là do nhận thức của bà con nhân dân trong hoạt động canh tác nông nghiệp còn thấp, sử dụng phân bón, thuốc BVTV còn tùy tiện. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, còn xem nhẹ, chưa chuyển thành ý thức và những hành động cụ thể, thiết thực.

Trước tình trạng trên, Sở TN&MT tỉnh đã có một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới để giảm thiểu tình trạng trên như: Nâng cao công tác tuyên truyền Luật BVMT nhằm nhanh chóng đưa Luật BVMT vào cuộc sống, phát động phòng trào toàn dân tham gia BVMT, nâng cao tính tích cực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động BVMT bằng nhiều hình thức. Xử lý dứt điểm các cơ sở, các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các điểm tồn lưu hóa chất BVTV. Tăng cường kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường, tạo chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư, xây dựng các dự án, công trình xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Hiện tại, Thanh Hóa đang thực hiện xử lý ô nhiễm tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến và kho thuốc trừ sâu tại huyện Đông Sơn mang hiệu quả tốt

Bài & ảnh:Tuyết Trang -  Anh Tú