Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh kêu cứu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/01/2016

  (TN&MT) - Nạn khai thác lâm sản trái phép đang phá vỡ hệ sinh thái, thu hẹp không gian sinh tồn của các loài động thực vật và xâm hại nghiêm trọng đến...

 

(TN&MT) - Nạn khai thác lâm sản trái phép đang phá vỡ hệ sinh thái, thu hẹp không gian sinh tồn của các loài động thực vật và xâm hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - Quảng Nam. Để bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn một cách bền vững đang đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan chức năng của địa phuơng.

Nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép đang băm nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh
Nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép đang băm nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

Đa dạng sinh học bị đe dọa

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh Quảng Nam nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, với diện tích rừng và đất rừng hiện nay là hơn 75.000ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 62.000ha chiếm hơn 82% diện tích khu bảo tồn. Với khoảng gần 1.000 loài động, thực vật, trong đó có hơn 20 loài đặc hữu của Việt Nam, cùng gần 40 loài nằm trong danh sách đỏ, Sông Thanh được xem là vùng lõi chủ yếu của vùng cảnh quan có vị trí ưu tiên của quốc gia, khu vực và toàn cầu do giá trị đa dạng sinh học và số lượng cao các loài đặc hữu đã ghi nhận được.

Vài năm gần đây, tại khu vực này, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép rầm rộ hoạt động, đặc biệt là nạn khai thác vàng sa khoáng bừa bãi đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái khiến hệ động, thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh bị suy giảm nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất, hiện tại Khu bảo tồn này chỉ còn 300 loài động vật, trong đó có 2 loài thực vật nằm trong sách đỏ. Mặc dù chính quyền địa phương hai huyện Phước Sơn và Nam Giang cũng như tỉnh Quảng Nam đã triển khai khá quyết liệt các hoạt động tuần tra, truy quét, phá hủy hàng trăm lán trại, máy móc, dụng cụ đào đãi vàng; cũng đã có hàng trăm chủ lán, đối tượng làm thuê bị trục xuất ra khỏi địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nhưng qua một thời gian ngắn, khi lực lượng chức năng rút khỏi thì tình trạng khai thác lại tái diễn trong khu bảo tồn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư, dựa vào dân để bảo vệ khu bảo tồn chưa phát huy hiệu quả. Người dân thì vẫn thói quen canh tác dựa vào rừng, săn bắt thú rừng kiếm sống.

Ông Từ Văn Khánh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết​ năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 94 vụ vi phạm, trong đó tạm giữ 76m3 gỗ xẻ, 14 m3 gỗ tròn, 9 môtô, 1 cá thể khỉ đuôi dài (đã lập biên bản và thả vào môi trường tự nhiên); ra quyết định xử lý 89 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,13 tỷ đồng.

Ẩn sâu dưới tán lá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật nằm trong sách đỏ.
Ẩn sâu dưới tán lá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật nằm trong sách đỏ.

Cần một “liều thuốc” mạnh

Ông Lê Đức Tuấn - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết: Các đối tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản theo kiểu tận diệt, gây biến dạng địa hình núi sông, mất cân bằng hệ sinh thái, để lại nhiều hệ lụy xấu về môi trường. Nếu tiếp tục xâm hại, không bao lâu nữa, nhiều tọa độ khu bảo tồn là cái ruột trống rỗng, hình thành vô số thung lũng sâu trong rừng đặc dụng.

Các biện pháp bảo vệ như tuần tra, truy quét, phá hủy các phương tiện khai thác của các đối tượng xâm hại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đều đã được các ngành chức năng thực hiện. Thế nhưng, để bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm. Khi mà, đa số người dân các huyện miền núi, người nghèo khắp nơi đổ về đang ngày ngày phải mưu sinh bằng việc bám rừng, bám vàng. Bên cạnh đó, một số bộ phận cán bộ địa phương đang “ngầm” bảo kê cho lâm tặc, vàng tặc do cơ chế quản lý bất cập và thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã tích cực thực hiện việc giao khoán cho 125 nhóm hộ và 231 hộ gia đình với diện tích hơn 41.000ha, đồng thời cũng đã thực hiện việc hỗ trợ đầu tư phát triển cộng đồng vùng đệm cho 24 cộng đồng thôn. Các chương trình này đã huy động sức mạnh toàn dân vào công tác bảo vệ rừng, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong việc sử dụng tài nguyên bền vững, giảm thiểu các tác động xấu đối với rừng. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, hoạt động này cần được các ngành chức năng tăng cường triển khai, có như vậy phương châm “Dựa vào dân để bảo vệ rừng một cách bền vững” mới đạt được hiệu quả.

Để chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra, truy quét và chốt giữ tại các “điểm nóng” thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trong suốt dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán. Hiện, các huyện Phước Sơn, Nam Giang mạnh dạn đề xuất tỉnh ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở xử lý phương tiện khai thác tài sản lớn, cụ thể mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng.

Làm sao giữ được môi trường sống an toàn cho các loài động, thực vật đang được bảo tồn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là việc làm cấp thiết và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các ban ngành liên quan, có như thế mới sớm lập lại trật tự trị an, mang lại sự bình yên nơi núi rừng biên cương của Tổ quốc.

Bài & ảnh: Lan Anh – Anh Dũng