Hà Nội: Suy thoái môi trường vẫn là thách thức lớn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 29/12/2015
Chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, công tác bảo vệ môi trường ở Thành phố năm qua đã có những tiến bộ khá rõ nét. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành làm tiền đề cho việc phát triển Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại.
Trong công tác xử lý chất thải rắn, Sở TN&MT đã triển khai mở rộng 2 khu xử lý chất thải rắn tại Nam Sơn – Sóc Sơn, Xuân Sơn – Sơn Tây và các khu xử lý chất thải rắn khác cấp Thành phố, đồng thời, triển khai đầu tư các khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện hoặc liên huyện theo quy hoạch; UBND các huyện chủ động đầu tư, quản lý các bãi chôn lấp chất thải rắn tại địa bàn huyện; các xã xác định các điểm chôn lấp tập trung hợp vệ sinh, từng bước triển khai các dự án xử lý bằng công nghệ tiến tiến để giảm tải khối lượng vận chuyển rác thải về khu xử lý tập trung của Thành phố; phát triển mạnh các mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn. Nhờ có cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi trường, công tác triển khai đầu tư các điểm tập kết/trung chuyển rác thải và xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh trên địa bàn các huyện ngày càng được tăng cường, đạt được những kết quả khả quan (tỷ lệ thu gom vận chuyển rác trong ngày của toàn Thành phố đạt trên 90%).
Xử lý nước thải tại các hồ. Ảnh: Hoàng Minh |
Đến nay, Thành phố đã hoàn thành việc xử lý 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành các dự án đầu tư trạm xử lý nước thải y tế cho các đơn vị thuộc Sở Y tế quản lý. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng môi trường đã từng bước được quan tâm, chú trọng.
Môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn cũng được quan tâm nhiều hơn. Đến nay, đã có 8/8 khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề đã và đang từng bước được triển khai nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đô thị; tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng được hạn chế, nhiều diện tích rừng được tái sinh. Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường của Thành phố Hà Nội ngày càng được ưu tiên, thể hiện ở việc tổng kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường tăng đều qua các năm và đến nay, đã đạt trên 3,8% tổng chi ngân sách Thành phố.
Nhưng còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhanh như hiện nay, tình trạng suy thoái về môi trường vẫn là một trong những thách thức rất lớn đối với sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt, việc lồng ghép vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển đôi khi chưa được thường xuyên. Tốc độ đô thị hoá nhanh, việc xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số nơi, đặc biệt là ô nhiễm do bụi.
Không những thế, việc áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn, chưa hiệu quả do các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát; việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải của các hộ dân tại các làng nghề còn hạn chế do kinh phí đầu tư cho xử lý môi trường chưa phù hợp với đặc thù của làng nghề là sản xuất phân tán, nguồn vốn nhỏ. Công tác xử lý rác thải khu vực nông thôn chưa đạt hiệu quả cao do các dự án đầu tư còn chậm tiến độ.
Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn Thành phố có khối lượng lớn, chưa được phân loại tại nguồn. Việc triển khai xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các huyện, các xã còn chậm; trang thiết bị thu gom rác thải của các tổ thu gom tự quản còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa đa dạng được nhiều nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường, chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, vốn viện trợ ODA từ nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp.
Xã hội hóa đầu tư cho công tác xử lý chất thải tại các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới ở mức khiêm tốn. Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý môi trường từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn còn thiếu và yếu, thậm chí, kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý.
- Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến tại các khu xử lý tập trung để đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%. - Nước thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội mới chỉ được xử lý một phần (khoảng 23,7% tương đương 213.300 m3/ngày đêm), vì vậy, còn tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong khu dân cư, khu đô thị. - Việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm 12 hồ nội thành đã cho kết quả tốt; đã kêu gọi các doanh nghiệp xã hội hóa cải tạo 45 hồ trên địa bàn Thành phố theo Đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội"; tích cực triển khai Đề án “Quản lý bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ” và một số nội dung trong việc xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch. |
M.Chi