Viễn thám phục vụ giám sát TN&MT, phát triển KTXH
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2015
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lâm – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia |
PV: Sự kiện Việt Nam đưa vệ tinh viễn thám đầu tiên và thu nhận thành công ảnh VNREDSat-1 lên quỹ đạo vào năm 2013 đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành. 35 năm xây dựng và trưởng thành, xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật của Cục Viễn thám quốc gia thời gian qua?
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lâm: Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Cục Viễn thám quốc gia đã gặt hái được rất nhiều thành công, song có thể tóm tắt thành 5 điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, về đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám. Như chúng ta đã biết, cơ sở hạ tầng viễn thám là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển công nghệ viễn thám. Nhờ sự quan tâm, đầu tư liên tục của Nhà nước ngay từ những ngày đầu thành lập, vốn từ đơn vị ứng dụng viễn thám những năm 80 thế kỷ trước, cho đến nay, Việt Nam đã có hệ thống viễn thám riêng và là một trong số ít các nước ASEAN có năng lực làm chủ công nghệ viễn thám giám sát TNMT và thiên tai.
Với việc Chính phủ ban hành Chiến lược nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020, việc phát triển cơ sở hạ tầng đã có những bước tiến quan trọng. Đó là, năm 2009, xây dựng xong và đưa vào vận hành Trạm thu ảnh viễn thám. Tháng 5/2013, nước ta phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1, vệ tinh viễn thám đầu tiên và kết nối thành công với Trạm thu ảnh của Cục Viễn thám quốc gia. Bên cạnh đó các hệ thống xử lý ảnh mặt đất ứng dụng công nghệ viễn thám tại Bộ TN&MT và các Bộ, ngành cũng được từng bước được đầu tư để có thể ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp GIS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về sự phát triển các ứng dụng viễn thám ở Việt Nam. Ban đầu, việc ứng dụng viễn thám chủ yếu trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ như hiện chỉnh bản đồ địa hình, thành lập bản đồ chuyên đề và đã khẳng định được vị thế cũng như vai trò của mình bằng việc góp phần hoàn thành bộ bản đồ địa hình phủ trùm cả nước từ năm 2003.
Từ khi thành lập Bộ TN&MT, việc ứng dụng ảnh viễn thám của Cục Viễn thám quốc gia đã liên tục được mở rộng nhằm ứng dụng trong các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, cũng như các ứng dụng của các Bộ, ngành khác và quốc phòng an ninh.
Thứ ba, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ viễn thám mới đã góp phần quan trọng trong 35 năm phát triển và trưởng thành của Cục VTQG. Cục VTQG đã, đang thực hiện và bảo vệ thành công hàng chục đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp Nhà nước, nhiệm vụ hợp tác Nghị định thư. Các nhiệm vụ KHCN này đã hỗ trợ trực tiếp quá trình sản xuất bằng công nghệ viễn thám. Với các dự án hợp tác quốc tế với Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Nga, Thái Lan… Cục đã thực hiện thành công việc chuyển giao công nghệ số vào sản xuất, chuyển dần từ sử dụng công nghệ truyền thống sang làm chủ công nghệ ảnh viễn thám số ngang tầm khu vực.
Thứ tư, xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm chủ công nghệ viễn thám. Trong 35 năm qua, Cục VTQG đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng làm chủ vận hành Trạm thu ảnh viễn thám, Trung tâm xử lý dữ liệu viễn thám, ứng dụng dữ liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai. Đội ngũ này bao gồm các tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ thuật viên được đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo thông qua các dự án. Đến nay, đội ngũ này có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn công nghệ cao do Bộ TN&MT giao đến các dự án lớn của Chính phủ.
Thứ năm, thành lập được cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thám. Với sự phát triển mạnh mẽ các ứng dụng viễn thám, được sự quan tâm của Bộ TN&MT và Chính phủ, Cục Viễn thám quốc gia liên tục có những bước phát triển mới. Từ đơn vị là Trung tâm viễn thám thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước và Tổng cục Địa chính đã trở thành Trung tâm Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đặc biệt, cột mốc quan trọng đó là việc thành lập Cục Viễn thám quốc gia theo Quyết định số 1166/QĐ-BTNMT ngày 17/7/2013. Cục VTQG đã và đang thực hiện các nhiệm vụ xây dựng các văn bản QPPL, các quy hoạch và chính sách về lĩnh vực viễn thám nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động viễn thám ở Việt Nam phát triển thuận lợi, hiệu quả trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về viễn thám, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thám, xin ông cho biết những định hướng của Cục Viễn thám quốc gia trong thời gian tới?
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lâm: Trong thời gian tới đây, để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ và Bộ TN&MT giao trong lĩnh vực viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tập trung chủ yếu vào việc đẩy mạnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thám.
Cụ thể là, tăng cường việc xây dựng các VBQPPL, Nghị định về quản lý hoạt động viễn thám, các thông tư về phí sử dụng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, quy trình giám sát viễn thám, các định mức kinh tế kỹ thuật các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, chiến lược ứng dụng và phát triển viễn thám, quy hoạch mạng lưới trạm thu,… nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi ứng dụng có hiệu quả công nghệ viễn thám.
Trạm thu ảnh viễn thám – Cục Viễn thám quốc gia |
Bên cạnh đó, hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thám nhằm cung cấp kịp thời dữ liệu VTQG cho các Bộ, ngành, địa phương ứng dụng, bao gồm: Mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia hiện đại; xây dựng mạng lưới truyền dẫn dữ liệu an toàn, hiệu quả, nhanh chóng.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển KT - XH và quốc phòng an ninh. Đưa các ứng dụng viễn thám hiện có trở thành các nhiệm vụ thường xuyên. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ viễn thám mới như viễn thám độ phân giải siêu cao, viễn thám siêu phổ, viễn thám rada ứng dụng phục vụ giám sát TNMT và thiên tai. Phát triển ứng dụng viễn thám phục vụ giám sát và đánh giá biến đổi khí hậu. Từng bước hoàn thiện công nghệ để tiến đến xây dựng các ứng dụng giám sát viễn thám gần thời gian thực. Hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các Bộ, ngành có tiềm năng nhưng chưa ứng dụng viễn thám. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám tại các địa phương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực viễn thám chất lượng cao, đào tạo cán bộ đầu ngành thông qua mạng lưới các cơ sở đào tạo lĩnh vực viễn thám. Đào tạo các cán bộ quản lý viễn thám từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ và không ngừng cải tiến công nghệ nâng cao năng lực của Cục VTQG nhằm đáp ứng các nhiệm vụ được Bộ giao.
PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Thúy Hằng (thực hiện)