Nhiều khoảng trống không gian xanh trong đô thị
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/12/2015
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển đô thị xanh ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại như: hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; dân số đông nên hạn chế quỹ đất xây dựng; đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao; tỷ lệ diện tích cây xanh còn quá ít so với yêu cầu của đô thị xanh.
Đô thị xanh bao gồm có 7 tiêu chí: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Trong tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra. Tuy nhiên, cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt được tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
Việc phát triển cây xanh tại các đô thị còn xem nhẹ. Việc quản lý cây xanh lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra. Trong thời buổi “đất vàng, đất kim cương” nên nhiều nhà đầu tư sao nhãng việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian xanh cho đô thị. Nguyên nhân chính là thiếu nguồn cho sự phát triển. Hầu hết chi phí này chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân cùng tham gia phát triển đô thị xanh.
Nhận thức lợi ích mà đô thị xanh mang lại cho chất lượng sống người dân đã được khẳng định. Với đặc điểm nổi bật là trong cấu trúc đô thị có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị) và hệ sinh thái tự nhiên, tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm tiện nghi và sức khỏe cho người dân… Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam chưa có một khái niệm nào rõ ràng, cụ thể về đô thị xanh… Mặc dù, trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước… Như vậy, để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam hiện còn rất nhiều việc phải làm…
Các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đô thị xanh; nghiên cứu ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về quy hoạch đô thị xanh, kiến trúc đô thị sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển đô thị Quốc gia với các định hướng tăng trưởng xanh.
Đồng thời, lồng ghép các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh cần xây dựng một mô hình đô thị xanh kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Trước hết, cần thay đổi nhận thức, tư duy ở tầm chiến lược cho việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh ngay trong tương lai gần. Cần đưa quan điểm phát triển xanh, tiêu chí xanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch xây dựng, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh như: giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công trình kiến trúc đô thị xanh.
Thiên Trường
Để ứng phó với các thách thức của thực tế phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 (năm 2004), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó, đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh và bền vững. Như vậy, phát triển “đô thị xanh” là một trong nhiều giải pháp giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. |