"Nóng" tình trạng phá rừng khu vực biên giới Đắk Nông

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 27/11/2015

  (TN&MT) - Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông diễn biến khá phức tạp, xuất hiện nhiều điểm "nóng"...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông diễn biến khá phức tạp, xuất hiện nhiều điểm “nóng” mất rừng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, các chủ rừng và cả cán bộ đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho việc phá rừng.

Nhiều diện tích rừng ở khu vực biên giới của Đắk Nông bị tàn phá, lấn chiếm
Nhiều diện tích rừng ở khu vực biên giới của Đắk Nông bị tàn phá, lấn chiếm

Rừng liên tục bị xâm hại

Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên 651.561,5ha, trong đó có 253.962ha rừng (hơn 220.000ha rừng tự nhiên và hơn 33.000ha rừng trồng), độ che phủ rừng hiện tại là 32,8% (nếu tính cả cây cao su và cây đặc sản là 39%). Đắk Nông có 4 huyện biên giới là Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Tuy Đức với tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 156.000ha (chiếm 46,9% diện tích lâm nghiệp cả tỉnh). Rừng tại các huyện này cơ bản đã được giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, sử dụng. Trong đó, phần lớn diện tích được giao cho các doanh nghiệp Nhà nước (hơn 105.000ha) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (gần 18.000ha).

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, do người dân di cư đến tỉnh những năm qua liên tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu về đất sản xuất và đất ở, gây áp lực lên tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản tăng cao, phát sinh hiện tượng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng các loại cây có giá trị hoặc buôn bán, sang nhượng đất trái phép để kiếm lợi. Đáng chú ý, nhiều chủ rừng và chính quyền địa phương không đủ năng lực bảo vệ rừng, buông lỏng quản lý nhân hộ khẩu, quản lý rừng và đất rừng... dẫn đến việc nhiều đối tượng lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản 905 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có 347 vụ phá rừng trái phép (hơn 281ha); 98 vụ khai thác rừng trái phép và 278 vụ vận chuyển, mua bán trái phép gỗ, lâm sản. Cơ quan chức năng cũng khởi tố 66 vụ, chuyển hồ sơ điều tra hình sự 15 vụ, tịch thu hơn 1.000m3 gỗ, 221 máy móc, phương tiện, công cụ... và xử lý hành chính, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng. Riêng tại 4 huyện biên giới của tỉnh, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 452 (chiếm gần 50%) vụ vi phạm lâm luật, khởi tố 13 vụ, chuyển hồ sơ điều tra hình sự 7 vụ, tịch thu hơn 454m3 gỗ và xử lý hành chính, nộp ngân sách Nhà nước gần 2,9 tỷ đồng.

Giao là mất

Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho 23 doanh nghiệp (DN) thuê hơn 14.000ha rừng và đất rừng (trong đó có hơn 10.700ha rừng tự nhiên) để triển khai dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn 4 huyện biên giới. Trong tổng diện tích được giao, các chủ dự án phải quản lý, bảo vệ 7.924,7ha rừng. Nhưng hiện tại, tổng diện tích rừng bị phá tại các dự án đã lên tới 3.868,3ha, chiếm gần 49% diện tích phải quản lý bảo vệ.

Huyện biên giới Tuy Đức được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích nhiều nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ lớn nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao quản lý là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc (233,6/234,3ha).

Kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Đắk Nông cho thấy, trong số 31.600ha rừng đã giao cho 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn (trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ), đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá và gần 8.300ha rừng bị người dân lấn chiếm, xâm canh. Trong 41 dự án này, chỉ có 10 dự án triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, 22 dự án khác chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng khiến 28,8% rừng bị chặt phá và 26,7% diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh. Riêng 9 dự án còn lại không triển khai thực hiện hoặc triển khai nhưng không hiệu quả, để mất rừng trên 90% và diện tích đất bị xâm canh trên 83%, Sở đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, nhiều dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn nói chung, các huyện biên giới nói riêng triển khai khá chậm, chưa thu hút được sự tham gia của người dân địa phương. Một số chủ dự án có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn nhưng chưa được giải quyết. Qua thực tế có thể thấy, việc ồ ạt giao rừng cho nhiều DN không đủ năng lực tài chính để đầu tư, không đủ năng lực bảo vệ rừng, thậm chí còn cố ý phá rừng, mua bán đất đai trái pháp luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến mất rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông cho rằng việc mất rừng tại tỉnh có liên quan đến cán bộ
Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông cho rằng việc mất rừng tại tỉnh có liên quan đến cán bộ

Mất rừng do... “cơ chế”?

Mới đây, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để nắm tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại khu vực biên giới của tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cương Hành - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (huyện Đắk Mil), thắc mắc: “Ở đâu cũng có trạm kiểm lâm, đồn biên phòng, ngay cả công nhân viên của chúng tôi muốn ra - vào lâm phần mà công ty được giao đều phải xuất trình giấy tờ đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao lâm tặc vẫn vào rừng ầm ầm, các cây gỗ lớn vẫn bị chặt phá, đưa ra cửa rừng mà không bị phát hiện(?)”.

Cũng theo ông Hành, những năm gần đây, Nhà nước liên tục thay đổi chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp nhưng theo kiểu “bình mới - rượu cũ”, chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trương của Nhà nước về việc cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam và một số sông suối khác thuộc ranh giới Việt Nam - Campuchia đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. “Gỗ trục vớt trên sông làm gì nhiều đến mức cả ngàn m3 mỗi năm? Đây chính là “kẽ hở” để lâm tặc hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép đi tiêu thụ, càng khiến nạn phá rừng tại khu vực biên giới nhiều năm nay không giảm” - ông Hành nói.

Trước tình hình phá rừng diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều báo cáo gửi các bộ ngành lý giải những khó khăn, hạn chế và nêu một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng. Nhưng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020” được tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã thẳng thắn: “Tôi nghĩ nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mất rừng chính là có liên quan đến cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, thậm chí có chỉ đạo “bật đèn xanh” phá rừng sau đó mua lại. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, thậm chí giao cho Công an tỉnh vào cuộc cũng không thể làm đến cùng vì có “quân ta” trong đó”.

Bài & ảnh: Lê Phước