Vụ cá chết vì ô nhiễm, DN vẫn chưa chịu bồi thường
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/11/2015
Ngày 26-11, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có buổi làm việc lần thứ 2 với 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân khi xả thải trực tiếp ra sông, khiến cá chết hàng loạt trên sông Chà Và thời gian qua.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát xác định 14 cơ sở chế biến bột cá xả thải ra khu vực cống số 6 bao gồm DNTN Trọng Đức, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, DNTN Tân Thành, DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, DNTN Đông Hải, DNTN Trung Sơn, DNTN Thương Thương, DNTN Đại Quang, DNTN Gia Hòa, DNTN Mỹ Sương, Chi nhánh DNTN Thành Đạt.
Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với 4 đợt cá chết trong năm 2015 thiệt hại của người nuôi cá lồng bè tại khu vực cầu Chà Và là hơn 18 tỉ đồng.
Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường về việc xác định nguyên nhân và nguồn ô nhiễm cho thấy có bốn nguồn chính khiến nước sông bị ô nhiễm dẫn tới tình trạng cá chết: Sự lan truyền ô nhiễm do nước thải từ khu vực cống số 6 (vị trí 14 cơ sở sản xuất hải sản xả nước thải trực tiếp ra sông); ô nhiễm do hoạt động của các lồng bè; nước thải từ ao đầm nuôi hải sản trên khu vực; nước thải sinh hoạt từ khu vực xã Long Sơn.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên thì chiếm tới 76% nguyên nhân khiến nguồn nước ô nhiễm là do hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại cống số 6.
Viện Môi trường và Tài nguyên đã thống kê tỷ lệ đóng góp ô nhiễm của từng doanh nghiệp khác nhau và mức bồi thường của từng doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau.
Theo đó, với 76% mức độ ô nhiễm xuất phát từ phía doanh nghiệp xả thải thì các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân là 13,8 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc thứ 2, các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với những báo cáo, thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường, các doanh nghiệp không đồng thuận về việc xác định tỷ lệ ô nhiễm và cho rằng việc tính toán dung lượng xả thải là chưa chính xác, việc xác định nguyên nhân còn nhiều vấn đề chưa rõ nên không đồng ý bồi thường thiệt hại cho người dân. Có doanh nghiệp thì đồng ý hỗ trợ nhưng không đồng ý bồi thường.
Phía đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn người dân làm các thủ tục để ra tòa giải quyết nếu phía doanh nghiệp không đồng ý. Đồng thời, việc chứng minh nguyên nhân và mức độ gây ô nhiễm của các doanh nghiệp thì sẽ có các sở, ban ngành địa phương chịu trách nhiệm thu thập chứng cứ cũng như hỗ trợ người dân.
Sau thời gian bàn bạc, các doanh nghiệp đã đi đến thống nhất sẽ cùng họp nhau lại để tìm phương án giải quyết. Theo đó, các doanh nghiệp yêu cầu sở Tài nguyên Môi trường kết hợp với viện xem xét lại các thống kê về mức độ ô nhiễm và cung cấp cho doanh nghiệp những kết quả về tỷ lệ gây ô nhiễm cũng như xác định lại thiệt hại của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp nhận việc để các doanh nghiệp có thời gian bàn bạc lại. Tuy nhiên, phải có phản hồi lại trước ngày 10-12 để tỉnh dựa trên cơ sở đó đối thoại với người dân nuôi cá.
Ông Tịnh cũng cho biết thêm: Trong trường hợp các doanh nghiệp không thể thống nhất và đến cuối ngày 10-12, UBND tỉnh không nhận được câu trả lời thì coi như cuộc đối thoại đã thất bại và tỉnh sẽ có kế hoạch hướng dẫn người dân kiện ra tòa.
Theo Người Lao Động