Nỗ lực ứng phó các vấn đề môi trường xuyên biên giới
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/11/2015
Việt Nam gặp nhiều bất lợi
Tháng 10 vừa qua, TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa trải qua một đợt ô nhiễm khói mù, với nguồn gốc là khói thải do cháy rừng ở Indonesia. Đây là vụ ô nhiễm khói mù tồi tệ nhất trong gần 10 năm trở lại đây, có nguy cơ vượt qua cả thảm họa cháy rừng năm 1997 từng gây thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia tới 9 tỉ USD. Trong khi đó, tại miền Bắc, các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… cũng đang cũng đang bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng khói bụi nhiệt điện từ Trung Quốc lan sang. PGS. TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam lên tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO. Vào mùa đông có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc. Ảnh hưởng không khí từ Trung Quốc tới Việt Nam sẽ còn kéo dài bởi Trung Quốc đang gánh chịu ô nhiễm không khí nặng nề do khai thác và sử dụng than quá nhiều làm phát sinh SO2 và bụi.
Bên cạnh đó, Việt Nam gặp bất lợi và bị động trong việc điều tiết nước bởi 60% tài nguyên nước mặt của nước ta xuất phát từ các quốc gia khác (hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước xuất phát từ Trung Quốc; hệ thống sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có 10% nguồn nước bổ sung từ nội địa Việt Nam). Các tỉnh nằm ven sông Hồng đã từng phải chịu cảnh ngập lụt do các hồ thủy lợi và đập thủy điện của Trung Quốc xả lũ. Theo Giáo sư Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: Vào mùa khô, Trung Quốc hạn chế xả nước xuống hạ lưu, vì họ tích nước để phục vụ sản xuất điện năng nên Việt Nam phải chịu hạn hán mùa khô. Còn mùa lũ, do các hồ thủy điện của Trung Quốc đã tích đủ nước, khi lũ về họ xả để bảo vệ đập, gây lũ lớn dưới hạ du ở Việt Nam.
Việt Nam đặc biệt quan tâm tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Ảnh: MH |
Nỗ lực giải quyết
Hiện nay Chính phủ đã đầu tư xây dựng một số trạm quan trắc môi trường xuyên biên giới như Trạm quan trắc môi trường tại Lào Cai, An Giang có nhiệm vụ quan trắc môi trường nước, trầm tích để đánh giá mức độ, xu thế ô nhiễm xuyên biên giới tại hệ thống sông Hồng và sông Mê Công. 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016. Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai thực hiện các Đề án cần thiết để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối xuyên biên giới. Phối hợp với Ủy hội sông Mekong và cơ quan tư vấn Đan Mạch để nghiên cứu tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành và công bố.
Kể từ năm 2002, khi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được thông qua, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động khẩn cấp có hiệu quả, qua đó tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy rừng đã giảm căn bản.
Để thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN, khắc phục triệt để tình trạng khói mù trong nước và xuyên biên giới, Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống cháy rừng từ Trung ương đến địa phương với hơn 20.000 nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, 4.000 kiểm lâm viên hỗ trợ các địa phương, 11.000 trạm theo dõi; thực hiện nhiều hành động và biện pháp khác nhau, trong đó đã ứng dụng thành công công nghệ viễn thám để kiểm soát và giảm thiểu cháy rừng, góp phần quan trọng vào việc không ngừng nâng cao độ che phủ rừng trên toàn quốc, đồng thời cam kết tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong vùng và trong khu vực.
Vẫn thiếu cơ sở ràng buộc pháp lý
Việt nam đã đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới nhưng sự phối hợp giữa các quốc trong khu vực còn lỏng lẻo, thiếu các ràng buộc pháp lý vững chắc. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) vừa diễn ra.
" Các Bộ trưởng đã khẳng định nhận thức rằng vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề không có biên giới, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có sự hợp tác với nhau. Tuy nhiên, việc kiểm soát các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới lại đang thiếu các cơ sở pháp lý vững chắc ở tầm khu vực hay quốc tế". - Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đơn cử như vấn đề khói mù do cháy rừng ở Indonesia rất cần có thỏa thuận và cơ chế để sớm loại bỏ cháy rừng và ô nhiễm khói mù. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý ở tầm khu vực hay quốc tế để kiểm soát tình trạng này. Hay như gần đây, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Hiệp định khai thác và sử dụng nguồn nước của các dòng sông xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Lào, Campuchia và nhiều quốc gia khác của ASEAN chưa tham gia Hiệp định này.
Mặc dù Trung Quốc và Myanmar nằm ở thượng nguồn – nơi đã chiếm hơn 50% chiều dài dòng sông, nhưng họ không tham gia Ủy ban sông Mekong quốc tế, trong khi bốn quốc gia thành viên lại ở hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam không phải lúc nào cũng thống nhất hành động. Việt Nam ở cuối nguồn vẫn là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất.
Mai Chi