ĐBQH quan tâm đến môi trường khi nhập khẩu, phá dỡ tàu biển
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/11/2015
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 11/11. Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý vào Điều 47 về nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển qua sử dụng, đại biểu Hùng Ngọc Ánh (Đoàn TP.HCM) cho rằng: “Quy định như Điều 47 có nghĩa rằng chúng ta nhập tàu biển về để phá dỡ, không được sửa chữa, không được sử dụng lại, không được cải tạo. Nếu nhập tàu biển về phá dỡ thì tôi đề nghị không đồng ý. Bởi vì, nhập tàu biển về để phá dỡ là gây ô nhiễm môi trường rất lớn, không cẩn thận chúng ta trở thành bãi phế liệu cho thế giới, tôi đề nghị bỏ Điều 47 và chúng ta không cho nhập tàu biển về để phá dỡ”.
Đồng tình với ý kiến đó, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP.HCM) góp ý chỉ nên cho phá dỡ 2 loại: Một là các tàu hết hạn sử dụng; Hai là tàu bị đắm mà chúng ta cẩu lên. “Tuyệt đối không nhập tàu về phá vỡ để lấy sắt vụn, cái đấy lợi bất cập hại. Luật này nên không quy định cái đó” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Còn theo PGS-TS Bùi Thị An (Đoàn TP Hà Nội) thì: “Trong Điều 47 tôi đề nghị bỏ hẳn về chuyện nguyên tắc nhập tàu biển đã qua sử dụng và kể cả Điều 50 liên quan đến chuyện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng tôi đề nghị kiên quyết bỏ, bởi vì thôi đành nước ta còn nghèo, cho nên ta sẽ chỉ phá dỡ những tàu nào cũ ở Việt Nam, bởi vì trong tàu biển vật liệu hình thành tàu biển có chứa rất nhiều các nguyên tố độc”.
Đại biểu Bùi Thị An phân tích: khi phá dỡ ra lại gây rất độc hại cho những người công nhân phá dỡ cũng như cho những người xung quanh, tức là có những thứ không có ngưỡng nào an toàn cả về mặt môi trường. “Bảo vệ sức khỏe con người và môi trường thì rất khó, không có ngưỡng nào để kiểm tra sự an toàn về môi trường. Quốc hội cũng biết rồi, tức là có những thứ gây chết ngay, có những thứ một ngày tích tụ, hai ngày, ba ngày, thậm chí 10 năm, 15 năm và như thế làm cho chúng ta gây ra rất nhiều các bệnh tật mà nguy hại, trong đó có bệnh ung thư rất quái ác như lần trước tôi đã trình bày…
Thảo luận về dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam nhiều đại biểu quan tâm đến môi trường khi nhập khẩu và phá vỡ tàu biển. Ảnh: TL |
“Theo thống kê Bộ y tế bây giờ mỗi một ngày chúng ta mất khoảng hơn 200 người về bệnh ung thư, trong đó kể cả trẻ em dưới 1 tuổi, 5 - 7 tháng tuổi và độ trẻ chết ung thư rất nhiều mà bệnh này gần như nhà giàu cũng chết, nhà nghèo chỉ đứng nhìn chịu chết. Tôi cho đây là một vấn đề rất đau đớn, tôi đề nghị kiên quyết trong chuyện này bỏ tất cả những chỗ nào liên quan đến tàu biển mà nhập khẩu để phá dỡ… Tôi đề nghị lần này phải kiên quyết loại bỏ những gì làm cho môi trường của chúng ta ô nhiễm.” - Đại biểu Bùi Thị An kiến nghị.
Cũng về vấn đề này, TS Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đưa ra quan điểm: Về phá dỡ tàu biển, đề nghị phải bảo đảm nguyên tắc không ô nhiễm môi trường và Việt Nam không trở thành bãi rác thải của thế giới, phải có phí bảo vệ môi trường. Quy định rõ nghĩa vụ tái xuất, vì hiện nay có một việc là các cảng hàng trở về, rác trở về chất rất nhiều các loại rác không có người nhận, bây giờ không ai chịu trách nhiệm về việc chở đi ra ngoài, chở đi ra ngoài cũng không ai nhận, người ta làm sao lọt vào đất Việt Nam, người ta để đó giống như biến mình thành một bãi rác.
“Do đó, phải quy định rõ nghĩa vụ tái xuất và trách nhiệm của các cơ quan hải quan khi giám sát việc này. Nếu đưa vào mà chúng ta cho phép bỏ tiền ra để tái chế tại Việt Nam thì điều đó cũng không có tác dụng. Vấn đề là rác đấy không được đưa vào và cũng không được xử lý ở Việt Nam vì nó không thuộc diện đó. Việc này chúng tôi đề nghị có thể xử lý trách nhiệm hình sự” - TS Trương Trọng Nghĩa nói.
Hải Ngọc - Châu Tuấn