Đất đai đang suy thoái
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 29/10/2015
Chất lượng đất ngày càng suy giảm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất toàn quốc. Dưới tác động của con người đất đang phải hứng chịu rất nhiều những chất độc hại.
Đơn cử tại tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, do sử dụng công nghệ lạc hậu, đa phần khai thác theo kiểu lộ thiên các đơn vị đã thải ra một khối lượng lớn đất đá thải, làm thu hẹp và suy giảm diện tích đất canh tác. Điển hình là các bãi thải tại mỏ sắt Trại Cau (gần 2 triệu m3 đất đá thải/năm), mỏ than Khánh Hòa (gần 3 triệu m3 đất đá thải/năm), mỏ than Phấn Mễ (hơn 1 triệu m3 đất đá thải/năm)…
Tình trạng suy thoái đất đang diễn ra tại nhiều nơi |
Còn tại Đồng Nai, theo kết quả quan trắc năm 2015 của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường tỉnh Đồng Nai khu vực đất tại vị trí tiếp nhận nguồn thải của khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thành phố Biên Hòa) hàm lượng chì (Pb) trong đất vượt từ 3,3 đến trên 4 lần so với tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng kẽm (Zn) vượt từ 3,9 đến 4,9 lần so với quy chuẩn cho phép. Điều đáng nói, các chỉ số kim loại nặng trên đều vượt ngưỡng cho phép ở cả 3 tầng thu mẫu. Tại vị trí tiếp nhận nguồn thải của khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom), hàm lượng chì (Zn) vượt tiêu chuẩn cho phép gần 2 lần... Ngoài ra tại một số khu vực phụ cận bãi chôn lấp rác thải hay xử lý chất thải rắn các chỉ số kim loại nặng như niken và crom trong đất có hàm lượng khá cao so với tiêu chuẩn cho phép.
Bên cạnh đó, số liệu quan trắc mẫu đất ở Đồng Tháp, một tỉnh trồng lúa điển hình của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, trong số 15 mẫu đất phân tích có 60% số mẫu có kết quả chỉ tiêu Asen vượt ngưỡng QCVN 03:2008/ BTNMT đối với đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Điều này cho thấy, chất lượng môi trường đất đang ngày càng suy giảm và diễn ra trên diện rộng .
Hiểm họa khó nhận biết
Theo đánh giá của nguyên thứ trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường GS.TS Bùi Cách Tuyến cho rằng, ô nhiễm môi trường đất là dạng ô nhiễm khó nhận biết hơn hẳn so với những dạng ô nhiễm khác, bởi sự tích tụ và mức độ tác động phải sau một thời gian nhất định mới thể hiện. Khác với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí có thể dễ dàng cảm nhận bằng thị giác hay khứu giác thì với ô nhiễm đất bằng giác quan thông thường gần như không thể nhận biết được. Đó chính là nguyên nhân ô nhiễm đất dường như chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía xã hội và người dân.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia nhận định, mọi nguồn gây ô nhiễm cuối cùng cũng đổ về đất và những hiểm họa từ nó đang dần được hé lộ. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về ung thư- cho biết: “ Hiện người dân ở vùng gần các sân golf thường hay mắc những bệnh như thiếu hồng cầu hoặc bị ung thư các bệnh về máu. Điều gì dẫn đến tình trạng này, phải chăng họ đang bị nhiễm chất acrylamide (C3H5NO) - một trong những chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo. Đây là một chất rất độc đối với sinh vật và con người, nó hiển nhiên tồn tại trong đất và gây nên tình trạng ô nhiễm đất, gây tác hại đến sức khỏe của con người” Ngoài chất acrylamide, sân golf là nơi sử dụng chất bảo vệ thực vật cao hơn 3-6 lần so với khu vực sử dụng đất cho nông nghiệp. Hơn ai hết chính người dân sống xung quanh đó trong tương lai sẽ hứng chịu những hậu quả từ trăm tấn hóa chất độc hại này.
Để giảm thiểu tình trạng suy thoái chất lượng đất cũng như ngăn ngừa được những tác động xấu tới sức khỏe con người trong thời gian tới, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý chất thải. Phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho vấn đề quản lý chất thải, trong đó có quản lý hóa chất, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý thức hơn nữa bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng “nông sản sạch” cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông nghiệp.
Thái Bình