Loay hoay lời giải thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị Bắc Kạn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/10/2015
(TN&MT) - Các đô thị ở Bắc Kạn ngày càng mở rộng diện tích, quy mô dân số vì thế lượng chất thải rắn khu vực này phát sinh ngày một nhiều. Tỷ lệ thu gom rác ở các thị trấn, thành phố thực hiện khá tốt nhưng việc xử lý các chất thải rắn thì còn rất lúng túng.
Phát sinh lớn
Chất thải rắn ở đô thị chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt, chiếm khoảng 60-70% lượng chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu tập thể, chất thải đường phố, chợ, các trung tâm thương mại, văn phòng, trường học,… Bắc Kạn là một trong những tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp trong cả nước do đó lượng chất thải rắn phát sinh qua các năm tăng không lớn với mức tăng hàng khoảng 4%. Tuy nhiên, với lượng dân số ở các đô thị trên toàn tỉnh hiện gần 50.000 người thì tổng lượng chất thải rắn phát sinh mỗi ngày tại các đô thị chạm mốc hơn 25 tấn.
Chất thải rắn sinh hoạt có thành phần chính gồm các chất hữu cơ chiếm khoảng 55% bao gồm thực phẩm thừa, giấy báo, nhựa… còn lại là các phế thải (chất vô cơ) như kim loại, thủy tinh, bụi tro…
Trong giai đoạn 2011 – 2015, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, công tác thu gom chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Hiện nay, khu vực trung tâm các huyện, thành phố đều có các đơn vị hoặc cá nhân đứng ra làm nhiệm vụ thu gom và vận chuyển rác thải. Nhờ đó, đến năm 2015 tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 100%.
Theo đánh giá của Chi Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kạn: lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị sẽ tăng nhanh trong thời gian tới cùng với việc quy hoạch các khu đô thị mới: Thành phố Bắc Kạn, thành phố Chợ Rã, thành phố Chợ Mới, thành phố Chợ Đồn, thị trấn Yến Lạc, thị trấn Phủ Thông, thị trấn Vân Tùng, thị trấn Bộc Bố, thị trấn Nà Phặc, thị trấn Chu Hương tại Pù Mắt, thị trấn Đồn Đèn, thị trấn Bản Thi, thị trấn Bằng Vân, thị trấn Sáu Hai, thị trấn Cư Lễ.
Thu gom rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn |
Loay hoay xử lý
Việc xử lý chất thải rắn đô thị ở Bắc Kạn cho đến nay vẫn chủ yếu là thải đổ vào các bãi thải lộ thiên, không có sự kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác. Tại khu vực thành phố Bắc Kạn, chất thải rắn sau khi được thu gom sẽ được đem đi xử lý tại bãi rác Khuổi Mật. Đây được coi là bãi rác có tỷ suất đầu tư lớn, khá đồng bộ với việc xây dựng các bể chứa, có hệ thống thoát nước thải, khí thải... Tại đây rác được xử lý tương đối triệt để và theo đúng tiêu chuẩn bằng phương pháp thông thường như cuốn ép, rắc vôi sau đó chôn lấp tự nhiên.
Tại các thị trấn, rác thải được vận chuyển đến bãi rác và chỉ được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp thủ công, chưa có quy trình xử lý phù hợp. Đa số bãi rác của các huyện là bãi rác tạm, chưa có quy hoạch hợp lý; Nhiều bãi rác đã quá tải, bị sụt lún hay quy trình xử lý rác chưa hợp lý, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh như bãi rác của thị trấn Chợ Mới, bãi rác huyện Na Rì, bãi rác thị trấn Chợ Rã.
Các thị trấn lớn ở Bắc Kạn như Bằng Lũng (Chợ Đồn); Chợ Mới (Chợ Mới); Chợ Rã (Ba Bể); Phủ Thông (Bạch Thông)... lượng chất thải rắn phát sinh không quá lớn, được thu gom đầy đủ nhưng việc xử lý thì chưa thực hiện đạt chuẩn. Việc phân loại rác trên địa bàn tỉnh nhằm tái sử dụng, tái chế loại chất thải không còn giá trị sử dụng, giảm lượng chất thải phát sinh và tiết kiệm chi phí xử lý chưa được người dân quan tâm và thực hiện khoa học, việc phân loại chỉ mang tính tự phát. Các chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng chủ yếu được chủ nguồn thải thu gom, bán cho những người thu mua đồng nát.
Lượng rác sau thu gom tồn ứ tại các điểm chôn lấp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cao cho các đô thị. Các điểm chôn lấp nhanh chóng quá tải ở hầu khắp các thị trấn, trung tâm xã gây ô nhiễm cho vùng lân cận do xử lý sơ sài bằng phương pháp đốt là chủ yếu. Để từng bước khắc phục yếu kém trong khâu xử lý, tỉnh đã đầu tư trang bị lò đốt rác cho các thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới); xã Vân Tùng (Ngân Sơn); Chợ Rã (Ba Bể). Tuy nhiên, sau khi trang bị việc vận hành cũng chưa được thực hiện kịp thời.
Hiện tại, việc đầu tư xây dựng một bãi rác đạt chuẩn có nhu cầu kinh phí rất lớn vượt quá khả năng cân đối của tỉnh. Trên địa bàn cũng chưa có đơn vị nào đủ tư cách thực hiện việc vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại. Đây là một bài toán khó nhưng buộc các ngành chức năng phải tập trung nghiên cứu tìm lời giải để bảo đảm một môi trường sống trong sạch cho nhân dân./.
Tuấn Sơn