Hướng tới quản lý chặt chẽ ô nhiễm không khí
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 08/10/2015
Lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính
Theo Báo cáo hiện trạng quản lý không khí của Việt Nam, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, không khí đang bị nhiều nguồn gây ô nhiễm và luôn có dấu hiệu gia tăng. Nếu chỉ tính riêng 3 ngành sản xuất công nghiệp như than, nhiệt điện, sản xuất thép, sau 10 năm (năm 2012 so với năm 2000), tổng sản lượng, tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hay tổng lượng chất thải ô nhiễm không khí phát sinh đã tăng lên khoảng 3 lần.
Ô nhiễm không khí gia tăng đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người. Theo thống kê của Bộ Y tế, số người bị các bệnh đường hô hấp chiếm từ 3 - 4% tổng dân số. 74,5% số người bị bệnh phổi toàn quốc là công nhân các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí và luyện kim. Những con số này sẽ tiếp tục tăng bởi ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10) đang ngày càng tăng cao và trở thành thách thức lớn nhất với chất lượng không khí ở các đô thị. Tại các thành phố lớn, ô nhiễm bụi trong không khí đã tới mức báo động, nồng độ bụi TPS trung bình cao hơn quy chuẩn từ 1,5 đến 3,5 lần. Trong khi đó, tại các làng nghề, nồng độ bụi tổng số đã vượt quy chuẩn cho phép từ 3 - 8 lần, SO2 có nơi vượt từ 3 – 6,5 lần. Tại các vùng nông thôn, khoảng 3 năm trở lại đây, do việc đốt rơm rạ sau thu hoạch đã dẫn tới tình trạng “khói mù” cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
![]() |
Ô nhiễm khói bụi ngày càng ảnh hưởng lớn tới đời sống. Ảnh: MH |
Đứng trước thực trạng này, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải, cải thiện chất lượng môi trường không khí xung quanh, đảm bảo cho mọi người dân được sống và làm việc trong môi trường không khí trong lành. Mục tiêu đưa ra đến năm 2020, giảm 20% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép, hóa chất, phân bón và sản xuất dầu mỏ; giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất khác; giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các phương tiện giao thông vận tải. Để đạt được mục tiêu này, nguyên tắc trong kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tiên quyết phải lấy phòng ngừa ô nhiễm làm chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường xung quanh. Đồng thời, quản lý chất lượng không khí phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng ngành sản xuất và từng địa phương. Ngoài ra, phải thấy rõ quản lý chất lượng không khí là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và các cơ quan quản lý Nhà nước với sự giám sát của nhân dân.
Ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách
Để đạt được những mục tiêu đề ra đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Dự thảo Kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ ưu tiền cần được thực hiện như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục, tăng cường hệ thống truyền dẫn dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước, thiết lập chuẩn kết nối dữ liệu từ các điểm quan trắc. Tiến tới nghiên cứu, đánh giá và đề xuất lộ trình xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin về chất lượng không khí xung quanh, tác hại của ô nhiễm không khí tới cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác giám sát các nguồn phát thải gây ô nhiễm. Đồng thời, thực hiện kiểm kê khí thải đối với một số ngành công nghiệp phát sinh khí thải, thống kê hàng năm lượng thải hàng năm và công bố thông tin rộng rãi tới cộng đồng. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng mô hình giám sát, cảnh báo và ứng phó kịp thời khi tình trạng ô nhiễm không khí tại một địa điểm trong đô thị vượt giới hạn cho phép….
Nội dung kế hoạch sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện hệ thống Văn bản pháp luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí với các mục tiêu cụ thể là kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động thi công xây dựng. Đối với kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp, từ nay đến năm 2020, chủ yếu tập trung vào 4 ngành sản xuất công nghiệp như: nhiệt điện, xi măng, phân bón hóa học và sản xuất thép. Với các hoạt động giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống các trạm, kiểm soát khí thải của các xe hoạt động trong đô thị, đồng thời, xây dựng và ban hành bộ hệ số phát thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đối với các nguồn phát thải từ hoạt động thi công xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế tập trung kiểm soát ô nhiễm tại công trường xây dựng và quá trình vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng.
Theo đại diện của Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Môi trường, để thực hiện những nội dung của kế hoạch, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiêu chuẩn môi trường liên quan tới kiểm soát ô nhiễm. Xây dựng hệ số phát thải nguồn công nghiệp, quy định và hướng dẫn kiểm kê các nguồn thải, quy định về quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục và xây dựng cơ sở dữ liệu. Đồng thời, hoàn thiện các quy chuẩn về chất lượng nhiên liệu, bổ sung thêm các quy chuẩn khí thải với các ngành công nghiệp đặc thù…
Nguyễn Cường