Vì sao ký túc xá Khoa Y ĐH Tây Nguyên gây ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/10/2015

(TN&MT) - Ký túc xá Khoa Y, Trường ĐH Tây Nguyên đưa vào sử dụng hơn ba năm nay. Cũng từ đó, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố 11 và 12 phường Tân Thành, TP...

 

(TN&MT) - Người dân kêu trời, Ban tự quản tổ dân phố bức xúc, chính quyền địa phương gánh đủ…là thực trạng mà Ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên gây ô nhiễm môi trường tại tổ dân phố 11, 12, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Gây ô nhiễm và nhiều phiền toái

Bà Nguyễn Thị Nhương ở số nhà 84/10 đường Mai Hắc Đế rất bức xúc phản ảnh với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường: “Nước thải sinh hoạt, nước rỉ bể phốt tự hoại nhà vệ sinh khu Ký túc xá Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên vẫn ngày đêm chảy tràn ra đường. Mùi hôi, thối bốc lên cả xóm này phản gánh chịu. Tình trạng này đã diễn ra từ những năm trước nhưng họ khác phục không triệt để. Vừa rồi họp Chi bộ người dân cũng phản ảnh, tiếp xúc cử tri cũng nói nhưng không thấy họ xử lý”.

Ký túc xá Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên đưa vào sử dụng hơn ba năm nay. Cũng từ đó, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố 11 và 12 phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng ngày, nước thải từ ký túc xá tràn ra mặt đường, chảy thành dòng, trước cửa nhà dân, đọng lại từng vũng rêu xanh, bốc mùi rất khó chịu từ đường Đặng Trần Côn chảy sang hẻm 84 Mai Hắc Đế, vòng sang đường Dương Vân Nga.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khu ký túc xá này còn gây nhiều phiền toái cho địa phương. Hiện nay, ký túc xá có hàng trăm hộ dân là cán bộ, công chức, viên chức của Trường Đại học Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ngành y tế Đắk Lắk và sinh viên đến thuê ở. Ngay trước mặt tiền hội trường tổ dân phố 12, ban quản lý khu ký túc xá đã đặt nhiều thùng rác, nhưng rác thải thì vứt bừa bãi, thậm chí một số người còn ném rác từ tầng cao xuống khu dân cư bên cạnh. Người dân kêu ca, phàn nàn trong khi Ban tự quản tổ dân phố không thể vào bên trong khu ký túc xá để nhắc nhở.      

“Ký túc xá Khoa y - Trường Đại học Tây Nguyên tọa lạc ngay sau lưng trụ sở UBND phường Tân Thành. Hàng ngày, lãnh đạo phường đều chứng kiến sự nhếch nhác và tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết thực trạng này, UBND phường cũng chỉ biết kiến nghị đến ngành chức năng và UBND thành phố Buôn Ma Thuột để giải quyết chứ không có thẩm quyền” - ông Hách Xuân Vinh - Chủ tịch UBND phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột nói trong bất lực.

Quy hoạch và xây dựng bất hợp lý    

Nguyên nhân ký túc xá Khoa y, trường đại học Tây Nguyên gây ô nhiễm môi trường là do: Ký túc xá xây dựng cho hàng ngàn sinh viên ở, nhưng khu vực này lại chưa có hệ thống nước thải công cộng của thành phố Buôn Ma Thuột. Do đó, nước thải sinh hoạt, nước thải và chất thải từ nhà vệ sinh được chủ đầu tư xây dựng các hầm tự thấm, bể phốt để xử lý. Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng nước thải, nước rỉ từ bể phốt đã chảy tràn lênh láng trên đường nhựa gây ô nhiễm. Sự cố này đã xảy ra từ năm 2014. Trường đại học Tây nguyên cũng đã xử lý, nhưng chưa đầy một năm lại tái diễn.      

Về trách nhiệm của đơn vị quản lý ký túc xá Khoa Y, ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên nói: “Mang tiếng là chủ đầu tư và thụ hưởng công trình trị giá hơn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, để phục vụ cho sinh viên vùng Tây Nguyên đến học tại trường, nhưng hơn 3 năm nay trường phải giải quyết quá nhiều hậu quả xấu. Nguyên nhân là do ký túc xá xây dựng ở vị trí không phù hợp. Mới đưa vào sử dụng được vài năm đã xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2014 Trường đại học Tây Nguyên đã phải chi khoản tiền không nhỏ để sửa chữa và xử lý. Thế nhưng chưa đầy một năm thì lại tái diễn, người dân địa phương phản ảnh gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường”.

Ông Nguyễn Tấn Vui xác định: “Sở dĩ ký túc xá gây ô nhiễm môi trường là do Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk và ông Hiệu trưởng trước đây làm. Cái chính là Quy hoạch và xây dựng bất hợp lý. Một khu nhà cao tầng với hàng nghìn người ở mà không có hệ thống nước thải chung của thành phố để đấu nối thì việc nước thải sinh hoạt, nước rỉ bể phốt chảy tràn ra đường là khó tránh khỏi. Song ông Vui khẳng định: “Nhà trường sẽ xem xét cụ thể, làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết, xử lý triệt để, thậm chí nếu ô nhiễm quá không thể xử lý được thì trường phải giải tán chỗ đó, trả lại cho Sở Xây dựng Đắk Lắk quản lý”.

Gây lãng phí và sử dụng không đúng mục đích

Không chỉ bức xúc về tình trạng ký túc xá gây ô nhiễm môi trường mà Trường đại học Tây Nguyên còn đang phải mang tiếng là sử dụng, vận hành ký túc xá Khoa Y với trị giá 35 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ một cách lãng phí và trái mục đích.

Chính vì điều này khiến ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên càng bức xúc: “Khi nghiệm thu đưa vào sử dụng khu ký túc xá này 3 không; không điện, không nước, không hệ thống xử lý nước thải, nhưng không hiểu sao Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk và Hiệu trưởng lúc bấy giờ vẫn chấp nhận đưa vào sử dụng. Khi tiếp quản, buộc chúng tôi phải lấy kinh phí của nhà trường để đấu nối điện, đấu nối nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hiện tại, Kho bạc vẫn còn treo nợ hơn 3 tỷ đồng vì nguồn vốn này là từ trái phiếu Chính phủ nên không thể lấy kinh phí của nhà trường để thanh toán cho dù trường có khả năng”. 

Điều tệ hại hơn là sau khi đưa vào sử dụng hơn một năm không có sinh viên đến ở. Bởi từ Trường Đại học Tây Nguyên đến Ký túc xá sinh viên phải đi xa khoảng 4 km. Còn các trường khác như Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, trường Trung cấp Y Đắk Lắk cũng không có sinh viên đến thuê. Còn Khoa Y Đại học Tây Nguyên chỉ số ít sinh viên học 2 năm cuối đến thuê trọ để thực tập tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Một nghịch lý là: ký túc xá sinh viên trong khuôn viên Trường đại học Tây Nguyên không còn chỗ trống và chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thuê trọ của sinh viên. Nơi thì không có chỗ để sinh viên ở, nơi thì ký túc xá bỏ không. Chính vì tránh lãng phí và gây xuống cấp, nhà trường đã buộc phải động viên cán bộ, công chức, viên chức Trường đại học Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ngành y tế và các hộ dân có như cầu đến thuê ở. Điều này vừa chống lãng phí, và có kinh phí để quản lý vận hành khu ký túc xá này.

Đình Thắng