Chia sẻ nhiều giải pháp chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2015

(TN&MT) - Ngập lụt đang là thách thức mà thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt. Sau mỗi cơn mưa là ngập lụt xảy ra ở nhiều khu dân cư, tuyến đường. Mưa lớn, kết hợp với triều cường khiến ngập lụt càng trầm trọng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống, đồng thời gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại TP Hồ Chí Minh có hơn 100 điểm ngập. Tổng thời gian ngập ở TP Hồ Chí Minh lên tới 30 ngày mỗi năm, độ ngập sâu từ 0,15 đến 0,3m, nơi nặng nhất tới 0,6m. Trong khi đó, số điểm ngập do mưa và triều cường có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, mức độ ngập năm sau cao hơn năm trước khoảng 1cm.

Ngập lụt thực sự đã trở thành nỗi lo sợ của người dân.Triều cường cộng với mưa đúng vào giờ tan tầm nên đường phố thành sông, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nhiều giờ liền. Nước từ các kênh rạch với màu đen kịt tràn vào nhà người dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vấn nạn này từ nhiều năm nay đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh tập trung nhiều giải pháp, dự án phòng, chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng được triển khai nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, hơn 10 năm qua, chính quyền Thành phố đã hoàn thành hơn 170 công trình phục vụ chống ngập, chủ yếu tập trung vào các dự án vệ sinh môi trường, Dự án cải thiện môi trường nước và Dự án nâng cấp đô thị. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn đang triển khai khoảng 100 công trình chống ngập trong giai đoạn từ 2011-2015, với diện tích khoảng 100km² thuộc 11 quận, huyện.

Ngập lụt đang là một vấn nạn tại thành phố Hồ Chí Minh

Cuối tháng 9 vừa qua, tại một hội thảo bàn về một số giải pháp chống ngập trên địa bàn thành phố, các chuyên gia quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Malaysia, Đức… đã chia sẻ về một số giải pháp chống ngập như giải pháp trị thủy kết hợp, công nghệ phòng chống lũ lụt, mô hình sống chung với nước hay phương án chống ngập lụt thông minh.

Nhóm chuyên gia cho rằng, 2 quy hoạch về chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm quy hoạch 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, quy hoạch 752 do JICA – Nhật Bản lập, đang tồn tại nhiều điểm yếu. Cụ thể, quy hoạch 752 (lập năm 2002) chưa đề cập đến biến đổi khí hậu, dự báo dân số thấp hơn thực tế còn quy hoạch 1547 (lập năm 2008) yếu trong công tác dự báo nên chưa lường hết mực nước thực tế (cao hơn mực nước thiết kế).

Từ đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước, tính toán lại mực nước thiết kế; mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước bẩn trong toàn thành phố; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo chuyên gia đến từ Đức, với quan điểm sống chung với nước nên nước Đức đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để xây dựng không gian cho nước, để nguồn nước trở về với tự nhiên. Cùng với đó, người dân được trang bị hệ thống thông tin để sống cơ động khi nước lên và chủ động trở lại cuộc sống bình thường khi nước xuống.

Mặt khác, tại thành phố cảng, quy hoạch đường dành cho người đi bộ, đường cho xe đạp phải cao hơn mặt nước biển từ 4-5,5m, còn các công trình kiến trúc và đường phố cao hơn từ 7,5-8m.

Trong khi đó, chuyên gia Nhật Bản lại tập trung vào giải pháp trữ nước đô thị, chia cống rãnh, bể điều tiết, cống ngầm trong thành phố (đường kính 12,5m, dài 4,5km).

Malaysia cũng có xây đường hầm thoát nước mưa gồm 3 phần, trong đó 2 phần trên là đường, phần ở dưới là đường hầm thoát nước mưa. Khi lũ sắp đến, 2 tuyến trên sẽ được đóng lại để sơ tán giao thông, sau đó toàn bộ 3 phần sẽ được mở để sẵn sàng chứa nước lũ.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã đánh giá cao các giải pháp mà nhóm chuyên gia nước ngoài tham vấn, đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố lắng nghe để rà soát lại đề án chống ngập; xử lý cục bộ và cấp bách các điểm ngập trên địa bàn.

Nhị Giang