Nông nghiệp nông thôn ứng phó BĐKH: Cần hành động thiết thực, cụ thể
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/10/2015
Nhiều ý kiến của các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong triển khai công tác ứng phó giai đoạn trước đó là nguồn lực, trình độ khoa học công nghệ, tài chính còn hạn chế so với yêu cầu thực tế. Các cộng đồng, địa phương nơi triển khai, lồng ghép thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH chưa hiểu rõ, chưa được hướng dẫn cụ thể về các chính sách của Nhà nước. Chưa có hệ thống giám sát, đánh giá tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, bao gồm các hoạt động được lồng ghép thực hiện từ những nguồn kinh phí khác nhau…
Theo GS.TS Trường Quang Học, thời gian tới các hành động của ngành nông nghiệp, nông thôn cần gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, chú trọng phát triển sinh kế bền vững cho người dân trước những tác động của biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận, quản lý các hành động liên ngành, liên vùng còn chưa được đề cập tới. Dự thảo kế hoạch không có nhiều hành động cụ thể mà mới mang tính chất hoạch định chính sách, chưa rõ hướng đi về lâu dài đến năm 2050.
Bà Nguyễn Thị Yến, đại diện nhóm làm việc về biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ (CCWG) cho rằng, các hoạt động nông nghiệp ứng phó với BĐKH cần được xây dựng, thực hiện và giám sát có sự tham gia của các bên liên quan (các tổ chức xã hội dân sự, chính quyền địa phương, người dân bản địa…), nên tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của công đồng người dân bản địa ngoài kiến thức kỹ thuật chuyên môn. Đây là nguồn thông tin thực tiễn hết sức quan trọng, quyết định đến tính khả thi và nhân rộng các biện pháp ứng phó.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hướng hành động tiếp theo cần chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước BĐKH, cố gắng để các chính sách sát với thực tiễn và tập trung hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, giảm các giải pháp công trình, đầu tư hơn cho các biện pháp phi công trình trong thời gian tới.
Khánh Ly