Ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn 16/9: Bảo vệ "lá chắn" cho ngôi nhà Trái Đất

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/09/2015

(TN&MT) - Ngày 16/9 tại Nam Định, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn và Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ôzôn. Với chủ đề “30 năm cùng nhau bảo vệ tầng ôzôn; ôzôn là tất cả những gì giữa bạn và tia cực tím”, sự kiện này đánh dấu chặng đường của toàn thế giới bảo vệ tầng ôzôn trong suốt 3 thập kỷ qua; đồng thời cùng nhau tiếp tục hướng tới những thay đổi vì tương lai khí hậu toàn cầu.

Điều ước quốc tế  thành công nhất

Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn ra đời năm 1985 là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên mang tính chất toàn cầu về bảo vệ tầng ozone. Hai năm sau, năm 1987, Nghị định thư Montreal  - một Hiệp ước quốc tế với các điều khoản cụ thể ra đời nhằm loại trừ dần dần các chất suy giảm tầng ôzôn.

“Qua 30 năm thực hiện, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal của Công ước được đánh giá là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay”, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu khẳng định.

Theo ông Hiếu, thành công đầu tiên phải kể đến là năm 2014, toàn bộ 197/197 quốc gia đã phê chuẩn và thực hiện Công ước và Nghị định thư này. Nghị định thư Montreal cũng nhận được sự ủng hộ của tất cả các tập đoàn công nghiệp và các ngành công nghiệp trên toần cầu.

5 năm trước, từ năm 2010, toàn bộ các chất CFC, halon, CTC đã được loại trừ hoàn toàn trên thế giới, ngoại trừ một lượng nhỏ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen. Các nước sản xuất CFC, halon và CTC đã đóng của các nhà máy sản xuất các chất này.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu không có Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, toàn thế giới có thể có thêm 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thủy tinh thể, chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra cho hệ thống miễn dịch của con người, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp.

Việc loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon và CTC còn góp phần giảm phát thải một lượng khí nhà kính đáng kể, cao gấp 4 - 5 lần mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đặt ra trong thời kỳ cam kết ban đầu giai đoạn 2008 - 2012.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng, để có được thành tựu trên, các quốc gia thành viên Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đã có những biện pháp chính sách, tài chính và công nghệ mạnh mẽ, các quy định của Nghị định thư đã được tuân thủ đầy đủ ở các nước phát triển và đang phát triển. Điều quan trọng là mỗi quốc gia đều nhận thức rõ tác hại của việc phát thải chất gây suy giảm tầng ôzôn và nỗ lực vì một mục tiêu duy nhất là loại trừ hoà toàn tiêu thụ các chất này. 

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), những nỗ lực của toàn cầu là đáng ghi nhận song chúng ta vẫn cần tiếp tục các nỗ lực này để bảo vệ an toàn "lá chắn" của sự sống trên Trái Đất.

Việt Nam phấn đấu loại trừ HCFC vào năm 2025

Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Đúng theo lộ trình, năm 2010, chúng ta đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn halon.

Ông Lương Đức Khoa, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, hiện, chúng ta đang tiến hành loại trừ nhóm chất HCFC. Quá trình loại trừ các chất HCFC có thể kéo dài đến năm 2030, tuy nhiên, nếu nhận được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ phía các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể hoàn thành loại trừ các chẩt HCFC vào năm 2025.

Để bảo đảm tuân thủ hạn định loại trừ các chất HCFC theo Nghị định thư Montreal, về mặt chính sách, hai Bộ Công Thương và Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư liên tịch số 47 ngày 30/12/2011 quy định về hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC phù hợp với nghĩa vụ quốc gia về loại trừ các chẩt HCFC do Nghị định thư Montreal quy định. Các biện pháp chính sách khác cũng đang được xem xét xây dựng và ban hành trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ TN&MT còn đề xuất không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng HCFC; hạn chế cấp phép mở rộng sản xuất, nâng cao công suất của các doanh nghiệp hiện đang sử dụng HCFC. Đồng thời, cần giảm sử dụng HCFC cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh; hạn chế lắp mới các thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC trong ngành thủy sản (các doanh nghiệp sử dụng thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Hoa Kỳ).

Khánh Ly