Dân than trời vì lò mổ gia súc, gia cầm gây hôi thối
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/08/2015
Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Đà Nẵng chưa ý thức trong khâu bảo vệ môi trường |
Theo Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về Môi trường (PC49 - Công an TP. Đà Nẵng), Đà Nẵng hiện có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nằm ở địa bàn huyện Hòa Vang, các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, bình quân mỗi ngày giết mổ khoảng 1.000 con heo, bò, hơn 1.500 con gà, cung cấp gần 60.000 kg thịt/ngày cho TP. Đà Nẵng.
Được biết, các cơ sở giết mổ đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như thu gom chất thải rắn như phân, phụ chế phẩm của heo, bò. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên các hệ thống xử lý nước thải chỉ mang tính chất đối phó là chính, chất lượng nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải.
Nước thải từ các cơ sở giết mổ vẫn thoát ra ngoài gây ô nhiễm |
Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý chất thải rắn bừa bãi, không đúng quy định về quản lý chất thải rắn, chủ yếu là tự xử lý. Tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở giết mổ đang diễn ra một cách âm ỉ, đáng báo động. Trong 8 cơ sở giết mổ tập trung, chỉ có 4 cơ sở cam kết bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định, các cơ sở còn lại chưa thực hiện một cách nghiêm túc.
Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC49 - Công an TP. Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, người dân sinh sống quanh các khu vực lò mổ rất bức xúc và có nhiều kiến nghị lên cấp trên. Trước thực trạng đó, mới đây, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng có kế hoạch về kiểm tra, bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Thực hiện kế hoạch trên, trong tháng vừa qua, đoàn kiểm tra Phòng PC49 tiến hành kiểm tra Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) thuộc Công ty Cổ phần Procimex Việt Nam, do ông Lê Tất Chánh làm giám đốc. Ngoài kiểm tra các thủ tục giấy tờ của cơ sở giết mổ, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy một mẫu nước thải tại cống xả cuối nguồn thải ra mương nước tự nhiên của cơ sở để phân tích. Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy, nước thải đưa ra môi trường của Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng đã vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất thải lên đến 20,9 lần với lượng nước thải là 80m3/ngày và COD vượt 1,2 lần, Nitơ vượt 5,4 lần, nên đã lập biên bản vi phạm hành chính và Phòng PC49 đã đề xuất UBND thành phố phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này trên 300 triệu đồng.
Để bảo vệ môi trường tốt cần một ý thức cao từ chủ các lò giết mổ |
Cũng theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC49 - Công an TP. Đà Nẵng, ngoài cơ sở giết mổ tập trung thì một số hộ dân còn giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư một cách lén lút, không đảm bảo được công tác kiểm dịch thú y cũng như công tác bảo vệ môi trường. Gia súc, gia cầm chết chưa được xử ý đúng quy định, chủ yếu là tự xử lý như: đốt, chôn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, hiện công tác bảo vệ môi trường chưa được các chủ lò giết mổ gia súc, gia cầm và một số hộ dân quan tâm một cách đúng mức, đa số các cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luạt về bảo vệ môi trường. “Hệ thống xử lý nước thải của các trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải ra môi trường. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn đang bừa bãi, không đúng quy định về quản lý chất thải rắn” - Đại tá Trần Thanh Nhơn nói.
Bài & ảnh: Xuân Lam