Làng giết mổ gia súc Phúc Lâm (Bắc Giang): Vẫn xả thải bừa bãi
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/07/2015
Bò tươi, môi trường héo!
Một ngày làm việc của lò mổ trâu, bò Phúc Lâm thường bắt đầu từ khoảng 23 giờ đêm và kết thúc lúc trời còn tờ mờ sáng. Anh Nguyễn Văn Hưng một người có 10 năm kinh nghiệm làm nghề giết mổ chia sẻ: Tại đây một ngày có thể "hóa kiếp" cho hàng trăm chú trâu bò. Hàng thịt trâu, thịt bò Phúc Lâm gần như chiếm trọn thị trường Bắc Giang, một phần Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Lượng giết mổ trâu bò một ngày rất lớn nên môi trường luôn trong tình trạng ô nhiễm. Theo thống kê của UBND xã Hoàng Ninh, với hơn 30 lò mổ thường xuyên hoạt động, mỗi ngày các ao hồ xung quanh Phúc Lâm tiếp phải tiếp nhận khoảng 100 m3 nước thải không qua xử lý. Lượng nước thải và chất thải này sau đó ứ đọng lại trong các cống rãnh, ao hồ gây mùi hôi thối nồng nặc. Do vậy, hầu hết các ao, hồ ở Phúc Lâm đã trở thành những ao, hồ “chết”.
Tại cơ sở giết mổ của ông Thân Văn Hoan có diện tích khoảng 80m2 nhốt đến 20 - 30 con trâu, mỗi đêm cơ sở của ông Hoan hóa kiếp khoảng 10 con nhưng tất cả nước thải với mùi tanh của máu, mùi thối của phân trâu bò đều xả thẳng xuống hệ thống cống thoát nước mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.
Anh Chính một người làm thuê khác tại Phúc Lâm cho biết: Môi trường của làng nghề những nằm gần đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, ngoài nước thải, phân trâu bò, rơm rạ thì một nguyên nhân khác là công đoạn ướp da trâu bo. Tính trung bình để ướp mỗi bộ da trâu, da bò cần ít nhất là 10 kg muối và mỗi bộ da trâu bò ở đây được ướp ít là 1 tuần, nhiều là một vài tháng rồi mới được các chủ cơ sở xuất đi nơi khác. “Vì vậy lượng muối thải ra môi trường cứ tích tụ năm này qua năm khác, không sớm thì muộn lượng muối này sẽ ngấm vào đất, nước ngầm”- anh Chính than thở.
Giết mổ trâu bò ngay trên nền đất bẩn |
Ông Đỗ Văn Truột, trưởng thôn Phúc Lâm cũng trăn trở về vấn đề này ông chia sẻ: Quả thật ở các rìa ao, hồ vẫn còn xuất hiện nhiều bao tải đựng xương trâu, bò, rồi nước thải cũng theo cống chảy vào các ao, hồ của làng. Trước kia, hồ còn rộng, lượng nước thải cũng ít nên ô nhiễm không đáng ngại lắm, thế nhưng những năm gần đây, tình hình đã trở lên nghiêm trọng hơn. Dù biết là ô nhiễm nhưng là kế sinh nhai thì vẫn phải chấp nhận sống chung với nó thôi.
Điểm đen 12 năm chưa xử lý
Anh Đỗ Văn Vô, chủ 1 cơ sở lò mổ ở Phúc Lâm cho biết: Mặc dù các cơ sở lò mổ ở đây cũng rất ý thức trong vấn đề môi trường nhưng cũng chỉ dừng ở dọn vệ sinh khu mổ, chuồng trại thật sạch sau khi giết mổ chứ chưa có giải pháp nào khác trong xử lý chất thải, rác thải.
Ông Nguyễn Văn Tình, chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: Do là điểm đen ô nhiễm nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng từ tháng 4/2003 nên lãnh đạo địa phương cũng rất đau đầu về hướng giải quyết. Trước thực trạng đó, năm 2013, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên đã chủ trì thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư là 3,2 tỉ đồng dựa vào việc “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xử lý chất thải ô nhiễm môi trường tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm” Từ dự án này cống thoát nước thải, hệ thống xử lý nước thải đã được triển khai. Tuy vậy dự án cũng chỉ đi vào sử dụng được vọn vẹn 2 tháng rồi ngừng hoạt động, nguyên nhân một phần là do hệ thống quá tải vì số cơ sở tăng đột biến, một phần là thiếu kinh phí để duy trì hoạt động.
Còn Bà Đàm Thị Hương Giang – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, theo đề án của tỉnh thì đến năm năm 2018 mới cải thiện được môi trường làng nghề, còn hiện tại chỉ đang đi khảo sát!
Trong khi các đô thị trong cả nước đang hướng tới xây dựng lò mổ tập trung để đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thì tại đây mỗi ngày cả trăm con bò được giết mổ nhưng địa phương vẫn để “những kế hoạch khắc phục” trôi theo ngày tháng?!
Bài và ảnh: An Sáng