Dân Đức Giang mong chờ khu xử lý nước thải

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 02/07/2015

(TN&MT) - Từng được mệnh danh là “làng đi ủng”, trong thời gian gần đây, làng nghề làm bún, thịt chó thôn Cao Hạ, xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) đã thực sự thay đổi. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm mới chỉ khắc phục trước mắt; còn về lâu dài, nơi đâyđang cần một quy hoạch tổng thể về môi trường.

Đức Giang là một xã đông dân (12.838 nhân khẩu – năm 2014). Khoảng 3 năm trước, ngoài lượng nước thải của dân cư trong xã còn có cả nước thải của xã Đức Thượng và Thị trấn Trạm trôi chảy qua, dẫn thải về hai hệ thống chính gồm kênh Tiêu T2 ở phía Nam xã và kênh tiêu T29 ở phía Đông xã.

Vào khoảng thời gian đó, do sự phát triển đô thị trên địa bàn và các xã lân cận đã ảnh hưởng lớn đến môi trường trong xã, nhất là nguồn nước thải trong khu dân cư bị ứ đọng gây ô nhiễm nặng. Điển hình là tuyến tiêu nước từ ao làng thôn Cao Trung qua dòng ngòi cổ, ao Hoa (Giang Xá), ao Ngòi và ao Lão, ao làng thôn Lưu Xá ra kênh T2 nhiều năm không có kinh phí đầu tư kiên cố hóa nên nước thải bị ứ đọng nặng, khiến đường bê tông trục làng Cao Hạ thường xuyên bị ngập úng cục bộ bất kể trời mưa hay nắng.

Vấn đề ô nhiễm sẽ được giải quyết nếu có nhà máy xử lý nước thải tập trung
                  Vấn đề ô nhiễm sẽ được giải quyết nếu có nhà máy xử lý nước thải tập trung

Theo chị Nguyễn Thị Hoa, Cán bộ Môi trường xã Đức Giang, hiện nay một số đoạn kênh, mương trong xã vẫn ô nhiễm nhưng so với vài năm trước thì đã cải thiện hơn. “Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước thải sinh hoạt gây ra. Số hộ sản xuất bún ở thôn Cao Hạ hiện chỉ còn khoảng 20 hộ và số hộ giết, mổ chó còn hơn 10 hộ” – chị Hoa khẳng định.

Ông Lê Đình Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết: Chính quyền xã đã đề xuất việc quy hoạch làng nghề lên cấp trên nhưng làng nghề là lõi đô thị, không nằm trong diện được quy hoạch. Ngoài ra, nguồn kinh phí của xã rất hạn hẹp, không đủ để xây dựng riêng một khu xử lý nước thải. Vì vậy, xã Đức Giang phải cùng với các xã lân cận xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, đặt tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức).

Sau khi bày tỏ những trăn trở về quy hoạch làng nghề và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, ông Thông nói về những giải pháp trước mắt mà UBND xã đã và đang thực hiện: Từng bước kiên cố hóa hệ thống kênh tiêu trong khu dân cư; Đậy nắp các cống rãnh; Tập trung đầu tư 4 bãi tập kết rác theo quy hoạch; Phun thuốc, rắc vôi phòng dịch ít nhất 1 lần/năm ở những nơi tập kết rác…

Bài và ảnh:Mai Đan – Việt Hùng