Dự báo khí tượng thủy văn: Nâng cao chất lượng từ các công trình khoa học
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/05/2015
(TN&MT) - Đến nay, sau 5 năm triển khai, kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học của Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với hiện...
(TN&MT) - Để góp phần thực hiện Nghị Quyết 24 - NQ/TW về chủ động ứng phó BĐKH, Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ của Bộ TN&MT đã tập hợp được đông đảo các nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực khí tượng và thủy văn để triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và phục vụ về khí tượng thủy văn ở các địa phương giai đoạn 2010 – 2015”. Đến nay, sau 5 năm triển khai, kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học của Chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoạn tại Việt Nam.
Dự báo thời tiết chính xác tại khu vực trước 6 giờ
Với 3 mục tiêu chính là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là thiên tai; phát triển công nghệ dự báo thời tiết hạn cực ngắn; nâng cao năng lực dự báo và phục vụ KTTV cho các địa phương, hiện các nhà khoa học đã hoàn thiện được phương pháp dự báo tổ hợp cho dự báo khí tượng hạn vừa (3 - 10 ngày) có độ chính xác khá cao. Bằng cách thống kê hiện đại trên sản phẩm mô hình toàn cầu (GSM), các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng được hệ thống dự báo các yếu tố khí tượng (như tốc độ, hướng, tổng lượng mây, mưa), để tính xác suất xuất hiện mưa và cấp mưa, độ cao chân mây và tầm nhìn xa có hạn dự báo chính xác trong vòng 3 ngày tới với thời đoạn 6 giờ cho toàn bộ các trạm quan trắc khí tượng bề mặt. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm dự báo từ mô hình GSM và chất lượng dự báo cho các điểm trạm. Một ví dụ nhỏ có thể thấy hiệu quả của mô hình này là trong đêm lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, trước giờ bắn pháo hoa, Đài khí tượng thủy văn khu vực Hà Nội đã dự báo chính xác lượng mưa và thời gian mưa sẽ diễn ra trước giờ bắn pháo hoa 6 tiếng và cũng thông báo trên các phương tiện thông tin là mưa sẽ tạnh vào trước thời điểm diễn ra màn bắn pháo hoa. Trên thực tế thời tiết đã diễn ra đúng như dự báo.
Sử dụng nhiều thiết bị tiên tiến trong khoa học vào việc đo khí tượng, thủy văn. Ảnh: ST |
Công nghệ và quy trình xác định lượng mưa kết hợp số liệu ra đa, vệ tinh với số liệu đo mưa có độ chính xác cao cũng đã được áp dụng tại các trạm phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Việc sử dụng hiệu quả các số liệu vệ tinh, mưa dự báo số trị, kết hợp với các số liệu bề mặt có thể khai thác hiện nay tại Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã nâng cao chất lượng và thời gian dự kiến dự báo quá trình lũ từ 1 - 3 ngày cho hệ thống sông Hồng – Sông Thái Bình.
Dự báo đỉnh lũ, ngập lụt trước 24h
Công tác cảnh báo và dự báo lũ, ngập lụt cho các lưu vực sông miền Trung là một vấn đề cấp bách hiện nay. Chính vì vậy, các nhà khoa học cũng đã tập trung đề xuất nghiện cứu các công trình phục vụ việc cảnh báo lũ sớm cho các lưu vực sông vùng đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Các nghiên cứu trong không khổ Chương trình này đã góp phần xây dựng được hệ thống phân tích, giám sát, cảnh báo và dự báo lũ, ngập lụt cho các hệ thống sông để đảm bảo cảnh báo lũ trước 48 giờ, dự báo lũ (đỉnh lũ, quá trình lũ) và ngập lụt trước 24 giờ, cảnh báo cạn 10 ngày, hạn 1 tháng, 3 tháng và theo mùa trên hệ thống sông Ba và đảm bảo cảnh báo lũ trước 12 – 24h với chất lượng đạt từ 70 – 80% cho các sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Bến Hải và sông Thạch Hãn.
Ngoài ra, các nghiên cứu về khí tượng thủy văn biển cũng được thường xuyên thực hiện. Từ kết quả của nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ dự báo sóng tác nghiệp cho vùng biển vịnh Bắc Bộ và được kiểm chứng bằng số liệu ra đa biển. Các kết quả từ nghiên cứu của công trình khoa học này cũng đã phục vụ tích cực cho công tác quản lý, quan trắc, truyền tin, dự báo khí tượng thủy văn và BĐKH. Đi sâu phân tích diễn biến của thời tiết, các kết quả nghiên cứu còn góp phần đánh giá đặc điểm khí hậu và tài nguyên khí hậu nông nghiệp 3 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô và Cát Hải trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời đề xuất các mô hình phát triển nông nghiệp (mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) phù hợp với đặc điểm khí hậu và tài nguyên khí hậu nông nghiệp, thiên tai cho 3 huyện đảo này.
Đồng thời, đã ứng dụng mô hình ARIMA và một số mô hình dự báo mưa mùa ở Việt Nam để dự báo lượng mưa vụ đông xuân. Đánh giá khả năng đáp ứng lượng nước mưa tự nhiên cho sản xuất vụ đông xuân nhằm chủ động tưới tiêu hợp lý khu vực đồng bằng bắc bộ. Qua nghiên cứu cũng đã xây dựng được quy trình dự báo thời tiết kèm theo phần mềm quản lý, giám sát tại các đơn vị dự báo ở các tỉnh phía Bắc phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuật và yêu cầu của từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo và chỉ đạo phòng chống thiên tai.
Minh Thư