Sử dụng ngân sách cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững.
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/05/2015
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ông Nguyễn Thế Phương đưa ra thông điệp: Việt Nam đang đối mặt với những tác động nặng nề của BĐKH. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ những thành quả đạt được trong công cuộc phát triển đất nước.
Người dân Sa Pa - Lào Cai phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi) là một trong những phương pháp phát triển kinh tế bền vững nhằm ứng phó với BĐKH |
Nhận thức được mối nguy hại do BĐKH cùng những thách thức và lợi ích quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước gắn liền với ứng phó một cách hệ thống với BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng những cải cách về thể chế, chính sách bao gồm các chiến lược Quốc gia về BĐKH và tăng trưởng xanh. “Việt Nam cần tăng cường hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách lồng ghép đầu tư chiến lược hướng tới một tương lai ít phát thải khí carbon vào quá trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của mình trong những năm tới” - ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Theo Bộ KH&ĐT, báo cáo Rà Soát Đầu tư và Chi tiêu công cho BĐKH được công bố lần này cũng kêu gọi cần tiến hành xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể để đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo một tương lai thích ứng với BĐKH. Báo cáo cũng cho biết những hành động trong ngắn hạn để tăng cường hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cần được lồng ghép thành nội dung của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm sắp tới và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, báo cáo đề xuất những sáng kiến trong ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chính sách, quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Việt Nam, và để xác định các khoản đầu tư và hoạt động ưu tiên nhằm tăng cường ứng phó với BĐKH của đất nước.
Đặc biệt, các sáng kiến tập trung vào những hành động trước mắt để xác định các ưu tiên chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chu trình lập kế hoạch, dự toán ngân sách và tài chính cũng như cách thức để xây dựng chính sách tốt hơn, tăng cường thể chế và phối hợp thực hiện nhằm hỗ trợ những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư cụ thể.
Chi phí ứng phó với BĐKH hầu hết là nguồn vốn đầu tư (chiếm 92% tổng chi của chính phủ cho ứng phó với BĐKH được nghiên cứu trong báo cáo CPEIR). Tuy nhiên, mặc dù chi thường xuyên cho biến đổi khí hậu thấp hơn rất nhiều, vẫn cần phải lập bản đồ và theo dõi nguồn vốn này bởi nó đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tạo điều kiện thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ về mặt hành chính, thể chế và kỹ thuật trong công tác quản lý các khoản đầu tư cho biến đổi khí hậu. Chính phủ đã rất cố gắng huy động nội lực thực hiện các hành động ứng phó biến đổi khí hậu, chiếm tới hơn một nửa (69%) các khoản chi cho ứng phó biến đổi khí hậu được nghiên cứu trong CPEIR. ODA dành cho ứng phó biến đổi khí hậu cũng quan trọng và chủ yếu là các khoản vay cho các dự án đầu tư với trọng tâm ban đầu là có các kết quả ứng phó biến đổi khí hậu và hiện đang tăng cho các hoạt động chính sách - quản trị (PG). |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc lồng ghép BĐKH vào ngân sách sẽ nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam đối với những tác động của tình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, giúp các cộng đồng ít bị tổn thương hơn, và giải quyết những thách thức về phát thải trong khi Việt Nam tiến bước trên hành trình tiến tới một tương lai xanh hơn, thích ứng tốt hơn và thịnh vượng hơn."Các phương án được đề xuất trong báo cáo này, nếu được thực hiện, sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này bằng cách tiếp tục đưa chương trình biến đổi khí hậu vào hệ thống lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Chính phủ Việt Nam" - bà Victoria Kwakwa nói.
Theo bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam thì: Các chính phủ trên thế giới đang ứng phó với BĐKH bằng cách cải thiện hệ thống dự toán ngân sách và lập kế hoạch, và nâng cao chất lượng chi tiêu công của mình. Bà Louise Chamberlain nhấn mạnh: "Báo cáo này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của đất nước sang một nền kinh tế ít phát thải khí carbon, và giúp Chính phủ đưa ra những quyết định có lợi cho những người dễ bị tổn thương nhất đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu."
Một buổi tập huấn về phương pháp lồng ghép ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH cho cán bộ tỉnh Lai Châu của Bộ TN&MT tổ chức tháng 5/2015 |
Còn đại diện Bộ TN&MT, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH cho rằng cần đưa mục tiêu tăng cường hành động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. “Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Cần lồng ghép kịch bản thích ứng BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương… Ngoài ra cần tăng cường phối hợp điều phối liên ngành, liên vùng, liên lính vực để đảm bảo hiệu quả cho các giải pháp ứng phó với BĐKH” - ông Nguyễn Văn Tuệ nhấn mạnh.
Sau khi các chuyên gia, các nhà quản lý biểu ý kiến, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ông Nguyễn Thế Phương cho rằng, cần khuyến khích hơn nữa sự gắn kết giữa các chương trình và các chính sách của ngành, địa phương thông qua mối liên kết giữa ngân sách nhà nước với các chính sách về BĐKH và tăng trưởng xanh qua đó đánh giá hiệu quả của các chương trình ứng phó với BĐKH. Ông Nguyễn Thế Phương kêu gọi quốc tế tiếp tục ủng hội Việt Nam về vốn và công nghệ để chống BĐKH và đã nhận được sự đồng thuận của đại diện WB và UNDP tại Việt Nam.
Bài & ảnh:Việt Hùng