Phú Yên ứng phó với BĐKH: Tăng cường bảo vệ nguồn nước

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2015

(TN&MT) - Mặc dù đã bước vào mùa mưa, nhưng tình trạng hạn hán ở nhiều khu vực thuộc huyện miền núi tỉnh Phú Yên vẫn chưa được cải thiện, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Việc có kế hoạch điều tiết nguồn nước hữu hạn sử dụng đa mục tiêu cho sinh hoạt, thủy điện, nông nghiệp… đang là vấn đề bức bách.

Hạn hán gay gắt tại huyện miền núi

Theo các nhà nghiên cứu khoa học ngành khí tượng thủy văn: Phú Yên là tỉnh có nguồn tài nguyên nước mặt tương đối phong phú. Tuy nhiên, do bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh, các suối ngắn, hẹp chỉ tồn tại theo mùa, hơn nữa những thay đổi trong việc sử dụng đất, tình trạng phá rừng, diễn biến thời tiết không tuân theo quy luật… là nguyên nhân làm cho khả năng dẫn nước và trữ nước giảm đáng kể. Các hồ chứa bị bồi lắng và khô kiệt, nhiều sông suối bị khô cạn. Tình trạng thiếu nước tại vùng sâu, vùng xa đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Điển hình là tại huyện Sông Hinh, biến đổi khí hậu đang có diễn biến rất rõ ràng, thể hiện qua việc giảm lượng mưa, nhiệt độ tăng cao... Những năm gần đây, dòng chảy ở sông Hinh tại huyện Sông Hinh vào mùa khô ngày càng suy giảm mạnh và biến đổi bất thường, chỉ số cực trị trên sông năm sau thấp hơn năm trước. Mùa khô năm 2015, mực nước sông Hinh liên tục xuất hiện những giá trị thấp nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua, thậm chí có thời điểm mực nước chỉ đạt 0,1m.

Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn thích ứng với BĐKH
Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn thích ứng với BĐKH

Chưa năm nào huyện Sông Hinh lại rơi vào tình trạng hạn hán nặng nề như năm nay. Đã 5 tháng nay, lượng mưa trên địa bàn huyện hầu như không đáng kể. Mặc dù đã bước vào mùa mưa, nhưng huyện Sông Hinh vẫn đang ở cực điểm của hạn hán. Hiện tại, nhiều diện tích lúa ở cánh đồng Tân Sơn, xã Ealy, huyện Sông Hinh trong tình trạng khô hạn, mặt ruộng nứt nẻ. Theo lịch thời vụ, lúa đông xuân sắp tới ngày thu hoạch nhưng hiện nay mới chỉ lác đác trổ bông, hơn 10 hecta lúa ở khu vực này có nguy cơ mất trắng. Nắng nóng còn ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây cà phê - một trong những cây trồng chủ lực của nông dân vùng miền núi huyện Sông Hinh. Cây cà phê đang ra hoa, chuẩn bị kết quả nhưng vì thiếu nước nên hầu hết đều bị khô héo.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cũng là bài toán nan giải. Do địa hình chia cắt mạnh nên nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng vô cùng thiếu thốn, có nhiều hộ gia đình phải tiết kiệm từng chậu nước để rửa rau, vo gạo, tưới cây...

Nâng cao chất lượng rừngđể bảo vệ nguồn nước

Theo các chuyên gia khoa học, ngoài tăng độ che phủ thì nâng cao chất lượng rừng bằng việc trồng cây phù hợp có khả năng giữ nước là hết sức quan trọng để chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước. Tuy nhiên hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước trên các sông, suối cạn kiệt là do rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Phú Yên không được quản lý  chặt chẽ trong khai thác nên đang mất dần khả năng giữ nước và điều hòa không khí. Báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho thấy, tính đến nay, tổng diện tích rừng bị mất do việc thay đổi mục đích sử dụng đất như xây dựng  ác công trình thủy điện là 5.000 ha. Tuy nhiên, việc trồng lại rừng còn chậm. Bên cạnh đó tình trạng chặt phá trái phép và người dân đốt nương làm rẫy tại rừng phòng hộ đầu nguồn còn diễn ra phổ biến. Năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng keo và bạch đàn trồng từ năm 2005 đến năm 2012 với tổng diện tích hơn 317ha (tăng 13 vụ so với năm 2013).

Để không tự đánh mất nguồn nước vô giá trong mùa khô, các chuyên gia khoa học cho rằng: Tỉnh Phú Yên cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ xóa bỏ tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc, sắp xếp lại dân cư và bố trí lại sản xuất cho bà con. Chú trọng đến việc trồng rừng, trong đó cần  đôn  đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện “trồng bù”  diện tích rừng bị mất do làm thủy điện khoảng 5.000 ha. Khuyến khích người dân  bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Cũng theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, mực nước tại các sông suối ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên đang xuống thấp. Dự báo, từ nay đến tháng 7/2015, khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt. Vì thế, hơn bao giờ hết tỉnh cần xem xét, quản lý việc vận hành liên hồ chứa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hơn; cần có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả tài nguyên nước trong tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Linh Nga