PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ): Nên ưu tiên giải pháp phi công trình

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/05/2015

(TN&MT) - Đây là vấn đề rất đáng chú ý trong lộ trình triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.  
(TN&MT) - Đây là vấn đề rất đáng chú ý trong lộ trình triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đề cập trong nội dung trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT.
 
PV: Theo ông, thách thức cơ bản nhất BĐKH đặt ra cho vùng ĐBSCL là gì khi có nhiều nhận định cho rằng đây là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH?
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Theo báo cáo của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC, 2007), dựa vào nghiên cứu của nhà khoa học Eric và các cộng sự (2006), ba đồng bằng lớn trên thế giới là đồng bằng sông Ganges-Brahmaputra ở Bangladesh, đồng bằng sông Nile ở Ai Cập và đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam sẽ chịu tổn thương cực kỳ cao do tác động của nước biển dâng đến (năm 2050) lên mật độ dân số. 
 
Điều này cũng khá phù hợp với những nghiên cứu khác, nếu xem xét đặc điểm của vùng ĐBSCL: Nằm ở hạ nguồn cuối cùng của một con sông lớn là Mekong, hai mặt phía đông và phía tây tiếp giáp với biển, cao độ rất thấp và phẳng, nơi có tập trung dân số cao và là vùng sản xuất nông nghiệp lớn, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và một phần cho thế giới.
 
Thách thức cơ bản nhất về BĐKH cho vùng ĐBSCL là nước biển dâng – xâm nhập mặn, biến động nguồn nước sông Mekong ở đầu nguồn và thời tiết bất thường gia tăng. Các yếu tố biến động khí hậu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, lên hệ sinh thái vùng và các vấn đề xã hội – sinh kế cho cộng đồng cư dân ở đây.
 
PV: Những nỗ lực ứng phó BĐKH các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện, đã “bắt đúng mạch” khâu đột phá để có thể vượt qua thách thức hay chưa, thưa ông?
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn trình bày tham luận trong một hội thảo khoa học  về biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
PGS.TS Lê Anh Tuấn trình bày tham luận trong một hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Các nỗ lực ứng phó BĐKH ở các địa phương vùng ĐBSCL chỉ mới bước đầu, mang tính đối phó với những rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (3 - 5 năm), chính quyền các cấp địa phương chỉ mới đến mức nâng cao nhận thức, chuẩn bị các kế hoạch hành động ứng phó và điều chỉnh một số chính sách. Ở tầm trung hạn (5 - 10 năm) và dài hạn (trên 10 - 30 năm) thì chưa có những đột phá mang tính quyết định. Sự hỗ trợ của trung ương chỉ mới tới mức xây dựng kế hoạch hành động mang tính chiến lược và đề xuất một số dự án lớn mang tính lâu dài như hệ thống đê biển cho cả khu vực nhưng thực sự chưa được đánh giá và phân tích tính hiệu quả và tính bền vững.
 
PV:Theo ông, đòi hỏi bức bách nhất đặt ra từ thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để phát triển vùng ĐBSCL bền vững hiện nay là gì? Ông kiến nghị gì với các cơ quan trung ương?
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn: ĐBSCL phải được đặt trong một chiến lược quốc gia dài hạn để có những phát triển bền vững. Tôi đề nghị Trung ương phải có những quyết sách nhằm: Thứ nhất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên nước, đất, sinh vật…) khu vực, tránh việc khai thác quá ngưỡng chịu đựng làm suy thoái môi trường và hệ sinh thái; thứ hai, thấy được các rủi ro và thách thức tiềm năng từ bên ngoài như chuỗi các công trình đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong; thứ ba, phát triển đồng bằng theo hướng vươn xa hơn ra Biển Đông chứ không chỉ quanh quẩn trong đất liền và vùng ven biển; thứ tư, đẩy mạnh khai thác và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào ở vùng ĐBSCL nhưng đang bị lãnh phí: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển – thuỷ triều, năng lượng sinh học… Bao trùm trên hết là những chính sách khuyến khích đầu tư và thúc đẩy những quyết sách trên.
 
PV: Dưới góc độ nghiên cứu khoa học, ông đánh giá thế nào về tính phù hợp điều kiện môi trường tự nhiên và hiệu quả ứng phó BĐKH, nước biển dâng của công trình hệ thống đê kè kiên cố ven biển đang được triển khai trên toàn vùng ĐBSCL?
 
 Công trình kè chống sạt lở Mũi Cà Mau
Công trình kè chống sạt lở Mũi Cà Mau
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Vừa qua, một số Bộ ngành đã đề xuất những dự án lớn như hệ thống đê kè kiên cố trên toàn vùng ĐBSCL như là một giải pháp ứng phó với BĐKH. Dưới góc độ khoa học, tôi cho rằng đây là một trong những phương án có thể chọn lựa, nhưng tính hiệu quả và tính bền vững cần phải đánh giá lại một cách thận trọng vì tính hai mặt của dự án: Công trình này có thể hạn chế những tác động của hiện tượng nước biển dâng nhưng mặt khác sẽ tàn phá những hệ sinh thái rừng ngập mặn, gây đảo lộn nhiều hoạt động sinh kế và sản xuất, làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước nội địa, cản trở giao thông thuỷ, làm triệt tiêu hoạt động của những cảng biển bên trong, ngoài ra đê biển có thể phơi bày nhược điểm về mặt an ninh – quốc phòng.
 
PV:Cần điều chỉnh gì khi thực hiện biện pháp công trình để ứng phó BĐKH, nước biển dâng, thưa ông?
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Trong ứng phó với BĐKH, cần phải có cả những giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, trình độ quản lý địa phương còn hạn chế thì nên hướng đến ưu tiên cho những giải pháp phi công trình, như vậy có thể tránh được những sai lầm “gây hối tiếc” khi phải đổ ngân sách quốc gia hay vay nợ cho những dự án quá lớn, gây tốn kém trong đầu tư – xây dựng và vận hành – bảo trì hằng năm. Do đặc điểm nền móng ở ĐBSCL rất yếu và không ổn định, việc xây dựng hệ thống đê biển kiên cố, chắc chắn đòi hỏi những nguồn kinh phí khổng lồ. 
 
Trước mắt, từ nay đến thập niên 2030 - 2040, vùng ĐBSCL nên tập trung đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển; xây dựng những mô hình canh tác – sản xuất và sinh kế linh hoạt với sự thay đổi môi trường và khí hậu thì sẽ ít tốn kém hơn mà hiệu quả có thể không thua gì những công trình đê biển đồ sộ.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Hùng Long (thực hiện)