ĐBSCL vào mùa mưa bão: Cảnh báo sạt lở trầm trọng hơn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/05/2015
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang - Lê Phước Đại cảnh báo: Sạt lở xảy ra trong mùa mưa bão sẽ nhiều hơn mùa khô. Đặc biệt là vào thời điểm bắt đầu mùa mưa bão, tình trạng sạt lở bờ kênh luôn diễn biến khó lường ở các huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Do lượng nước mưa len lỏi vào các vết nứt vốn đã hình thành trong các tháng mùa khô, kết hợp với dòng chảy mạnh hơn, quá trình khai thác bờ kênh, cùng nền địa chất yếu nên rất dễ xảy ra sạt lở nguy hiểm hơn.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang) - Trần Quang Hành, tại huyện này hiện có tới 13 tuyến đê dài trên 44km ở những đoạn cong, ngã ba, ngã tư… đang bị sạt lở rình rập.
Đáng quan ngại, ngay trong mùa khô, đầu năm đến nay, tại huyện Châu Thành đã liên tiếp xảy ra 16 vụ sạt lở 311m bờ đê. Trung bình các điểm sạt lở có chiều dài từ 10m đến 34m, rộng từ 2m đến 9m. Hơn 1.479m2 đất đã bị cuốn xuống sông. Phạm vi sạt lở diễn ra ở 13 ấp, thuộc thị trấn Ngã Sáu, các xã Đông Phước, Đông Phước A, Đông Thạnh, Đông Phú, Phú An, Phú Hữu...
Dù áp lực dòng chảy trong mùa khô thấp hơn mùa mưa nhưng mật độ các vụ sạt lở đã diễn ra tại địa bàn huyện Châu Thành mùa khô rất dày, liên tiếp và phổ biến. Ngày 22/4 liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở, khiến toàn bộ cống bọng, cùng bề mặt con đập ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu và một đoạn đê bao trên địa bàn ấp Khánh Hội A, xã Phú An sụp xuống sông; ngày 9/4 cũng xảy ra 2 vụ sạt lở bờ kênh ở ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh và ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu...
Sạt lở tấn công nhiều tuyến giao thông nông thôn |
Thậm chí những đoạn đê đã được người dân gia cố kè gỗ, kè bê tông phía ngoài vẫn bị sạt lở. Gần đây nhất (ngày 5/5), sạt lở diễn ra tại ấp Cái Muồng, trước đó ngày 23/4, sạt lở cả đoạn giao thông dài gần 35m, rộng 6m, lấn tới trước cửa nhà bà Trần Thị Hồng (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu). Bà Hồng cho hay ngay tại đoạn này nhiều lần được gia cố và trước đây cũng đã 2 lần xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở đe dọa đến tài sản, tính mạng, ám ảnh nhiều người dân sinh sống ven bờ đê các tuyến kênh, sông. Nhiều vụ sạt lở xảy ra rất khó lường. Cách đây 2 tháng, căn nhà cùng cả vạt đất vườn có 7 cây bần, mít... của bà Trần Thị Bé, ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, đã bất ngờ bị cuốn xuống sông mà gia đình không phát hiện dấu hiệu gì trước đó. “Từ đây về sau tôi không dám sinh sống dọc theo bờ kênh nữa” – bà Bé, sợ hãi nói.
Nỗi lo thấp thỏm của rất nhiều hộ dân trong những căn nhà ven các bờ kênh, sông ở các địa phương đầu nguồn của tỉnh Hậu Giang đang gia tăng theo thông điệp cảnh báo tình hình sạt lở diễn biến phức tạp hơn vào mùa mưa bão năm 2015 đến. “Chính quyền địa phương và người dân cần phải cảnh giác cao độ để có biện pháp ứng phó kịp thời” – Chi cục trưởng Lê Phước Đại nói.
Ngoài nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở do tác động của dòng chảy, sóng tàu ghe... hiện cơ quan hữu quan địa phương chưa có phát hiện gì mới và cũng chưa có giải pháp nào hữu hiệu ngoài việc khuyến cáo bà con di dời xa bờ kênh sông để an toàn tài sản và tính mạng trong mùa mưa bão năm nay.
Bài và ảnh: Phong Vân