Giải pháp chiến lược giảm cường độ năng lượng

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/04/2015

(TN&MT) - Giảm cường độ năng lượng là một nhiệm vụ cấp bách được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ năng lượng hiện nay, vấn đề giảm cường độ năng lượng còn gặp khó khăn...

Khó giảm khi tiết kiện năng lượng  chỉ là... theo phong trào

Hiện Việt Nam đã xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng. Tuy hoạt động khá sôi nổi nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn khá hạn chế. Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đề ra nhiều chỉ tiêu khá cụ thể cho từng lĩnh vực, về tổng quát giai đoạn 2006 - 2010 giảm 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng. Giai đoạn hai 2011 - 2015, giảm 5 - 8%, với tổng kinh phí từ nhiều nguồn khoảng 930 tỷ đồng.

Chương trình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từ nâng cao nhận thức, xây dựng quy phạm pháp luật, thực hiện các dự án TKNL ở các ngành và địa phương, tiêu thụ năng lượng ở một số ngành công nghiệp được đánh giá có tiến bộ như gốm sứ, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương trong kỳ tổng kết Chương trình giai đoạn 2010 - 2013: Do nguồn lực có hạn, lại đầu tư dàn trải nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp tham gia, nhiều dự án manh mún, chưa đúng tầm mục tiêu quốc gia, nhiều đơn vị còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước, công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, đặc biệt vai trò khoa học công nghệ còn thiếu.

Vấn đề giảm cường độ năng lượng vẫn còn thực sự khó khăn. Ảnh: MH
Vấn đề giảm cường độ năng lượng vẫn còn thực sự khó khăn. Ảnh: MH

Mặt khác, cũng phải thấy rõ, nội dung tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là quốc sách, nhưng chỉ với các biện pháp tiết kiệm, dù có thực hiện được mục tiêu đề ra cũng không thể giảm được cường độ năng lượng như các nước. Bởi lẽ cơ cấu phát triển các ngành kinh tế quốc dân chưa hợp lý, dẫn tới cường độ năng lượng cũng như cường độ điện đối với GDP còn rất cao. Đối với các nước đang phát triển, cường độ năng lượng, cường độ điện cao hơn các nước phát triển là hợp lý, nhưng không thể cao hơn 2 - 3 lần. Đây thể hiện sử dụng năng lượng của nước ta còn kém hiệu quả, dẫn tới chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp.

Việc tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng, Việt Nam có tiềm năng lớn, tuy nhiên, để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn thì nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp.

Hiện nay, ngành công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng Năng lượng thương mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5% GDP. Sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép… được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó, nông - lâm - ngư nghiệp là những ngành chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM nhưng đem lại  tới 20% GDP.

Thực tế hiện nay, nông nghiệp vẫn bị đánh giá là canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi… Phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và điện khí hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là “đầu tư ngắn ngày mau ăn”, đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược - nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Thời đại ngày nay, không thể định hướng công nghiệp hóa kiểu tiền tư bản, mà cần hướng tới hiện đại hóa và kinh tế tri thức, có như vậy mới tránh được tụt hậu.

4 giải pháp chiến lược

Để giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, các nhà khoa học khẳng định việc đầu tiên là phải có khung định mức năng lượng,  đây một công cụ quan trọng trong hoạt động và quản lý hiệu quả năng lượng, nhưng một thời gian dài vừa qua chúng ta buông lỏng. Một số ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường không cần quản lý định mức năng lượng, dẫn tới giải tán Viện định mức ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều nghiên cứu và sử dụng định mức năng lượng. Sử dụng năng lượng theo định mức tiên tiến không những là thực hiện tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, góp phần giảm cường độ năng lượng, mà về mặt xã hội còn thể hiện sự bình đẳng của mọi công dân đối với tài nguyên năng lượng của đất nước.

 Cùng với đó là tổ chức xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể Quốc gia, mà mục tiêu nên chọn cho Quy hoạch năng lượng tổng thể Quốc gia giai đoạn vài chục năm tới là: Giảm cường độ năng lượng, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển. Trước mắt có thể triển khai ngay để làm cơ sở cho hiệu chỉnh và nghiên cứu xây dựng quy hoạch các phân ngành than, dầu - khí, năng lượng tự nhiên.

Đồng thời nghiên cứu xác định cơ cấu hợp lý các ngành kinh tế quốc dân, đảm bảo phát triển bền vững có giá trị gia tăng cao mà giảm được cường độ năng lượng, đây là bài toán cân đối tối ưu liên ngành, mang tính vĩ mô, phát huy hàm lượng khoa học thực hiện chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo cơ sở cho phát bền vững; xây dựng chính sách giá năng lượng đảm hợp lý, hài hòa, minh bạch cho các loại nhiên liệu - năng lượng trên nguyên tắc bình đẳng giữa người bán, người mua và giá trị sản phẩm, để giá năng lượng thực sự là đòn bẩy của hoạt động sản xuất và tiết kiệm năng lượng, góp phần đắc lực phát triển thị trường năng lượng lành mạnh; xây dựng và quản lý tốt định mức cho sản xuất vật chất và tiêu dùng nói chung và sản suất, tiêu thụ năng lượng nói riêng. Nghiên cứu xác định định mức cho các loại công nghệ đã và sẽ sử dụng, khuyến nghị và định hướng những định mức tiên tiến cần thực hiện.

Minh Vũ