Cần sự chung tay của cộng đồng trong bảo vệ hồ Hà Nội

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 06/04/2015

(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường ở các hồ Hà Nội luôn là một vấn đề nóng bỏng, không mới và không dễ giải quyết.
(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường ở các hồ Hà Nội luôn là một vấn đề nóng bỏng, không mới và không dễ giải quyết. Nguyên nhân một phần là do ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường của một bộ phận người dân sống xung quanh hồ chưa cao, nên vẫn xảy ra tình trạng xả rác thải xuống hồ. Để bảo vệ các hồ đã được xử lý, rất cần sự chung tay của cộng đồng.
 
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên baotainguyenmoitruong.vn. 
 
PV:Là một chuyên gia đã từng nghiên cứu rất nhiều vấn đề liên quan đến ao hồ Hà Nội, xin bà cho biết ao hồ trên địa bàn Hà Nội có vai trò như thế nào đối với cuộc sống con người và cảnh quan môi trường?
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trước tiên để nói về vai trò của ao hồ Hà Nội thì phải nói rằng ao hồ Hà Nội là “thủy huyệt” của Hà Nội, là hệ thống nước vừa mang tính chất tâm linh vừa mang tính trụ cột cho thành phố Hà Nội. Xét trên lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu thì ao hồ Hà Nội là công cụ hỗ trợ cho Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều hòa không khí, điều hòa nước, là phương pháp hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra… Xét trên phương diện cảnh quan, ao hồ Hà Nội tạo ra cảnh quan rất đẹp để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Xét về mọi khía cạnh thì ao hồ Hà Nội đã đóng một vai trò không thể thiếu đối với Thủ đô.
 
PV: Chắc hẳn bà đã từng đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước, vậy theo bà thì ao hồ ở Hà Nội và ý thức bảo vệ ao hồ Hà Nội có điểm gì giống và khác biệt so với ao hồ ở các thủ đô của các quốc gia trên thế giới cũng như ý thức bảo vệ môi trường ao hồ của họ? 
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Nói đến ao hồ ở các thủ đô của các nước khác trên thế giới thì tôi có ấn tượng đặc biệt đối với ao hồ ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ao hồ ở cả Hà Nội và Tokyo đều rất nông, không có sự kết nối với hệ thống nước ở các ao hồ khác. Đây là một điểm yếu của ao hồ Hà Nội và Tokyo. 
 
Giống như ao hồ ở Hà Nội, hồ ở Tokyo cũng có bè thủy sinh ở trên hồ, tuy nhiên bờ hồ họ làm rất đơn giản. Ở một hồ trong thành phố Tokyo, bờ hồ được kè bằng những cọc tre, còn trên bờ là những vạt cỏ được rào bằng những thanh tre đơn giản. Điều đó giúp cho hệ sinh thái bờ của hồ được duy trì tự nhiên, khiến thiên nhiên trở nên sinh động, đơn giản và rất sạch. Đặc biệt, hồ ở Tokyo chỉ được thả một loại cá nhất định, ví dụ như cá chép đen, cá chép vàng lớn được phân bổ với tỉ lệ giữa cá đen và cá vàng sao cho nâng lên được giá trị cảnh quan. Ngoài cá chép thì họ thả rùa nhỏ... Khác với ở Hà Nội chúng ta các hồ có nhiều chức năng như nuôi cá, hoặc chứa nước thải, hoặc là nơi người dân vứt các đồ thải tôn giáo như bàn thờ, bát hương, thì hồ ở Tokyo đưa chức năng cảnh quan là chính, tạo ra không gian vô cùng đẹp để nuôi dưỡng phần hồn của người dân xứ hoa anh đào.
 
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở như hệ thống cống, hệ thống bơm nước giúp ngăn chặn toàn bộ nước ô nhiễm và nước mưa từ các nơi khác vào hồ nhưng vẫn duy trì được lượng nước cần thiết cho hồ, vì vậy hệ sinh thái hồ của Tokyo được duy trì tốt. Và điều quan trọng là với ý thức tốt và kỷ luật “sắt đá” trong việc bảo vệ môi trường nói chung và hồ nói riêng của người dân Tokyo đóng vai trò quan trọng góp phần làm cho hồ Tokyo  thực sự sạch và đẹp.
 
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý trả lời phỏng vấn phóng viên baotainguyenmoitruong.vn
Bà Nguyễn Ngọc Lý trả lời phỏng vấn phóng viên baotainguyenmoitruong.vn
 
 
PV: Như vậy, có thể hiểu ý thức bảo vệ môi trường hồ của người dân là một trong những yếu tố quyết định sự trong sạch của hồ Hà Nội? Theo bà, ý thức bảo vệ môi trường hồ của người dân thủ đô trong thời gian gần đây có được cải thiện không? 
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trong những năm gần đây ý thức bảo vệ môi trường hồ của người dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ đã được nâng cao. Vì vậy, nếu nói nguyên nhân làm ô nhiễm hồ Hà Nội do ý thức kém của bộ phận người dân thì chỉ là một phần bề nổi. Ô nhiễm trước hết là do hệ thống nước thải vì hồ Hà Nội chưa loại bỏ được chức năng là nơi chứa nước thải. Nguyên nhân tiếp theo là do các hồ chưa có hạ tầng cơ sở để quản lý nguồn nước ra vào hồ cũng như ngăn ngừa nước thải và rác thải xuống hồ.
 
Để hồ Hà Nội đẹp cả về số lượng và chất lượng thì cần phải có chiến lược và thể chế mạnh mẽ; sự đầu tư ngân sách của nhà nước về cơ sở hạ tầng trong việc xử lý rác thải và nước thải; giáo dục ý thức người dân, tạo ra sự đồng thuận trong việc bảo vệ hồ.
 
PV: Những khó khăn, bất cập trong quản lý cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường hồ Hà Nội là gì thưa bà?
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Như tôi đã nói ở trên, khó khăn lớn nhất có lẽ vẫn nằm trong  thể chế quản lý hồ. Ở Hà Nội, hồ còn chịu sự quản lý của rất nhiều “chủ”: Cây cảnh trên bờ hồ do Công ty cây xanh quản lý, nước hồ lại do công ty thoát nước chịu trách nhiệm. Ngoài ra, hồ lớn do thành phố quản lý, những hồ vừa và nhỏ thì do quận hoặc phường quản lý trong khi năng lực chuyên môn về hồ của cán bộ cấp quận, huyện có thể không bằng những ban quản lý chuyên môn. Duy nhất hồ Tây có ban quản lý chuyên biệt, còn với mỗi hồ khác thì lại thuộc mỗi nhóm chủ khác nhau. Vì thế khi chưa có luật lệ rõ ràng, chưa có sự đầu tư chính đáng, đúng mức và ý thức bảo vệ hồ kém, đồng thời tồn tại việc “tài sản” có nhiều “chủ” thì sẽ dẫn đến hiện tượng “cha chung không ai khóc”. 
 
 
Ô nhiễm hồ Hà Nội
Để bảo vệ các hồ ở Hà Nội, rất cần sự chung tay của cộng đồng
 
 
PV: Để hạn chế, khắc phục những khó khăn trên, theo bà cần thực hiện những giải pháp gì?
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Để bảo vệ môi trường hồ Hà Nội, không thể đưa ra các giải pháp cụ thể mà cần phải có giải pháp đồng bộ từ trên xuống với chiến lược lâu dài, chi tiết và khoa học. Tuy nhiên, một số biện pháp tiên quyết mà chúng ta có thể thực hiện ngay lúc này là tạo sự đồng thuận trong tất cả các bên tham gia. Cụ thể, nhà nước thực hiện tốt chiến lược về hạ tầng cơ sở và đầu tư ngân sách; cộng đồng thì tham gia vào hoạt động giáo dục, vận động nâng cao ý thức và kêu gọi các doanh nghiệp và phương tiện truyền thông cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ hồ.
 
Ngoài ra, một số biện pháp trước mắt có thể triển khai như: thành lập ban quản lý chuyên biệt bảo vệ Hồ Hà Nội và đối với từng hồ cần có một kế hoạch quản lý hồ dài hạn với sự tham gia của các bên; nên tổ chức diễn đàn thảo luận chung để giúp lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra các chiến lược bảo vệ hồ từ năm 2015 – 2025…
 
Mai Đan
(thực hiện)