Tây Nguyên trong cơn đại hạn: Sông hồ trơ đáy, cây chết khô
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2015
Bài 1: Sông hồ trơ đáy, cây chết khô
Mực nước tại phần lớn các ao, hồ, sông, suối ở Tây Nguyên tiếp tục tụt giảm nhanh và hiện không còn đảm bảo nhu cầu nước tưới và sinh hoạt cho người dân nhiều địa bàn. Hàng chục ngàn héc-ta cây trồng và hàng ngàn hộ dân Tây Nguyên đang phải sống trong “cơn khát lịch sử”.
Cuộc chiến giành nước tưới
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên kết thúc sớm, lượng mưa cũng thấp hơn hẳn mọi năm. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho nguồn nước ngầm và mực nước ao hồ, sông suối bắt đầu khô cạn, nhiều nơi lâm vào cảnh khô hạn, thiếu nước sản xuất trầm trọng.
Tại xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), khô hạn đã khiến cho nhiều diện tích lúa nước của người dân bị hạn nặng. Hiện các mương dẫn nước về cánh đồng đã cạn khô, lúa và hoa màu chuyển qua màu vàng úa. Ở các chân ruộng cao, mặt đất bắt đầu nứt lớn trên nền đất đã trắng bóc vì lâu ngày không có nước. Anh Nguyễn Đức Thuận (ở thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) chỉ tay về phía ruộng buồn rầu: “Vụ này gia đình tôi trồng được 8 sào lúa nước. Trong đó, 4 sào hiện đã không có nước tưới gần 1 tháng qua và đang héo úa, chết dần. Giờ gia đình tôi chỉ mong trời mưa thì may ra mới không bị mất trắng”.
Khô hạn nặng đã làm cho nhiều hộ dân Tây Nguyên “mất ăn, mất ngủ” chờ nước tưới. Gia đình ông Hoàng Đình Hào (ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) có 2ha cà phê ở gần hồ thủy lợi của xã nhưng chỉ tưới xong được đợt thứ nhất, còn đợt thứ 2 thì vừa tưới vừa… chờ. “Chưa có năm nào hạn nặng như năm nay, mới vào cuối tháng 3 mà hồ thủy lợi của xã đã trơ đáy. Ngày ngày, gia đình tôi kéo máy bơm ra hồ để trực bơm nhưng cũng chỉ đủ nước tưới cho vài chục gốc. Phải mất gần nửa tháng, gia đình tôi mới “giải khát” được cho toàn bộ diện tích cà phê” - ông Hào kể.
Nhiều sông, hồ thủy lợi ở Đắk Lắk, Đắk Nông đã cạn trơ đáy |
Thiếu nước tưới còn là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ tranh chấp, mất bình tĩnh mà lời qua tiếng lại với nhau. Ông Nguyễn Văn Thanh (ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) kể: “Do nạn khai thác cát lậu hoành hành, sông Krông Pắk chảy qua xã không chỉ bị biến dạng mạnh mà còn cạn trơ đáy, hiện nước chỉ còn đọng lại ở một số vũng gần bờ. Vì gia đình nào cũng cần nước tưới nên họ sẵn sàng cãi cọ, thậm chí đánh nhau vì giành nước tưới”.
Hạn ngày càng nặng
Theo ông Lê Thanh Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Thủy sản (Sở NN&PTNT Gia Lai), mực nước đo được thời điểm hiện tại ở các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ hầu hết đều thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt trung bình 50% - 60% so với dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ nước đã cạn đến mức báo động như hồ Hrung (huyện Ia Grai) chỉ đạt 6,8%. Tính đến cuối tháng 3, tỉnh Gia Lai đã có gần 1.200ha cây trồng (chủ yếu là cà phê, lúa) của người dân bị ảnh hưởng do hạn. Nơi bị hạn nặng nhất là huyện Chư Pảh với hơn 500ha lúa, cà phê và hoa màu.
Tại tỉnh Kon Tum, mực nước tại phần lớn sông, suối đang giảm nhanh. So với năm trước, lượng nước trung bình trên sông Pô Kô giảm 5 - 15 %, các sông như Đắk Tờ Kan, Đắk Pxi, Đắk Bla… giảm từ 15 - 30%. Mực nước ở 70 hồ chứa của tỉnh cũng thấp hơn cao ngưỡng tràn từ 0,2 - 1,5m đối với hồ chứa lớn và khoảng 1,5 - 3m đối với hồ chứa nhỏ. Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết diện tích hoa màu, cà phê bị hạn hán đã lên tới hàng ngàn ha.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, hiện đã có 8 hồ chứa do công ty quản lý đã xuống dưới mực nước chết hoặc hết nước hoàn toàn (chủ yếu ở 2 huyện Cư Jút và Đắk Mil). Đến cuối tháng 3, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết đã có trên 3.400ha cây trồng (chủ yếu là lúa và cà phê) trên địa bàn thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó hàng chục ha lúa đã mất trắng. Nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối vụ, sẽ có khoảng trên 7.000ha cây trồng các loại ảnh hưởng vì hạn (trong đó có 699ha cây trồng có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng).
Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hạn hán. Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 31.000ha cây trồng bị hạn nặng (trong đó có trên 6.000ha và hơn 23.000ha cà phê), ước tính thiệt hại khoảng 980 tỷ đồng.
Cùng với đó, đã có hơn 3.000 hộ dân ở các huyện Krông Bông, Lắk, Krông Năng, Cư Kiun… lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Báo cáo từ các huyện cũng cho thấy, đã có 102 công trình thủy lợi (88 hồ chứa, 12 đập dâng và 2 trạm bơm) bị cạn khô hoặc dưới mực nước chết.
Bài & ảnh: Lê Phước