Đục khoét sông Luồng
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/01/2015
(TN&MT) - Sự “đổ lỗi” trách nhiệm cho nhau của các cấp chính quyền địa phương khiến dư luận bất bình về sự buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng...
(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa dọc theo sông Luồng tình trạng khai thác cát trái phép được diễn ra một cách ngang nhiên, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sán, biến dạng dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Điều ngạc nhiên là cấp chính quyền địa phương lại “đổ lỗi” lẫn nhau trong việc để “cát tặc” lộng hành đục khoét sông Luồng.
Bãi cát lậu khổng lồ của ông Cao Văn Hội đã tập kết nhiều năm nhưng chưa bị “sờ gáy” |
Cách trung tâm huyện miền núi Quan Hóa không xa là bản Khằm, xã Hồi Xuân nơi có đến hai bãi tập kết cát trái phép và nhiều máy móc cũng như thuyền khai thác của “cát tặc”. Dọc các tuyến Quốc lộ 217 và Quốc lộ 15A cát rơi vãi kéo dài cả km. Một hộ dân ở bản Khằm ngay sát bãi cát bức xúc cho biết: “Nhiều năm nay người dân chúng tôi khổ sở vì tình trạng bơm hút cát với đủ loại tiếng máy nổ cả ngày lẫn đêm từ thuyền hút, bơm đến tiếng xe vẫn chuyển cát chát chúa khắp bản. Nhiều xe chở quá tải lại không che bạt khiến cát bay mù mịt, rơi vãi khắp mặt đường ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và những người tham gia giao thông. Người dân cũng đã phản ánh nhiều lần nhưng không hiểu vì lý do bãi tập kết cát trái phép này vẫn ung dung hoạt động mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ chính quyền địa phương”.
Ngay sát chân cầu Hồi Xuân là bãi tập kết cát trái phép của ông Phạm Văn Thuyền, việc bơm hút cát vẫn ngang nhiên diễn ra, dưới bờ sông chiếc thuyền hút công suất lớn vẫn miệt mài bơm đẩy cả khoang cát lên bãi như thách thức cơ quan chức năng. Theo người dân, nhiều lúc thuyền hút này còn hút sát ngay chân cầu để tiết kiệm chi phí vận chuyển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của cây cẩu huyết mạch này. Cách đó không xa là bãi tập kết trái phép thuộc hàng lớn nhất huyện của ông Cao Văn Hội. Mặt đường Quốc lộ 217 cao hơn bờ sông cả chục mét nhưng vẫn được ông Hội đưa máy móc bạt thẳng xuống bãi cát. Ngay tại thời điểm PV tác nghiệp, việc bơm hút cát trái phép ở sông Luồng của ông Cao Văn Hội vẫn được diễn ra ngang nhiên. Hai chiếc máy hút mini ngay sát bờ sông vừa hút vừa bơm trực tiếp lên bãi, đằng sau một chiếc thuyền công suất lớn sau một vòng đục khoét lại tấp vào gần bờ đưa sản phẩm lên bán kiếm lời bất chính. Giữa bãi chiếc máy xúc dường như nhỏ bé so với bãi cát khổng lồ cao 4 – 5 m này, nhiều xe tải nối đuôi nhau chực chờ “ăn hàng”.
Ông Cao Văn Hội khẳng định: Ông mới chỉ làm vài tháng nay, cát được lấy xung quanh đoạn sông gần bãi cát và đất làm bãi tập kết cát trái phép này là đất bãi bồi ven sông gia đình tôi tận dụng để chứa cát. Theo ông Hội, việc khai thác và tập kết cát trái phép lâu nay nhưng chưa hề bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý vì chúng tôi nộp đầy đủ các khoản phí, trong đó có cả 650.000 đồng/tháng phí môi trường cho xã Hồi Xuân và huyện Quan Hóa?.
Thuyền cát ngang nhiên bơm hút giữa sông Luồng |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đỗ Minh Việt – Chánh Văn phòng UBND huyện Quan Hóa cho biết: “Huyện đã chỉ đạo, chấn chỉnh, nghiêm cấm nhưng vì xây dựng nông thôn mới nên có thể dùng công lao động xúc không được khả thi nên địa phương đã vận dụng”? Trả lời về vấn đề này, ông Lữ Đình Bưu – Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân xác nhận: “Hai bãi tập kết cát trái phép cũng như việc khai thác cát trái phép tại xã kéo dài 4 – 5 năm nay là hoàn toàn có thật. Xã cũng đã có thông báo chấn chỉnh xử lý nhưng các hộ vẫn làm cũng như không thu tiền bến bãi hay bất kỳ khoản phí nào và chỉ nghe là có nộp tiền cho huyện? Hai bãi tập kết cát thuộc đất bãi bồi ven sông do xã quản lý nhưng vướng trên huyện nên không thể xử lý được”?.
Sự “đổ lỗi” trách nhiệm cho nhau của các cấp chính quyền địa phương khiến dư luận bất bình về sự buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và không khỏi hoài nghi phải chăng đã có sự bảo kê cho “cát tặc” lộng hành?
Bài & ảnh: Nguyễn Dũng- Anh Tú