Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhưng không khắc phục

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/01/2015

(TN&MT) - “Tổ hợp" sản xuất của 11 doanh nghiệp tại thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đang gây ô nhiễm môi trường dù đã bị xử phạt.
(TN&MT) - “Tổ hợp" sản xuất (chủ yếu là sản xuất than) của 11 doanh nghiệp tại thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đang gây ô nhiễm môi trường dù đã bị xử phạt và đình chỉ nhiều lần.
   
   
  Song, không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường, nhiều doanh nghiệp ở đây còn sản xuất, kinh doanh trái ngành nghề so với giấy đăng ký được cơ quan chức năng cho phép và có dấu hiệu “lách luật” sang nhượng cho thuê đất trái phép.
   
  Thôn Đá Bạc có khoảng 270 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Từ năm 2004, tại khu vực ngoài đê thôn Đá Bạc dài 1,4km, huyện Thủy Nguyên đã quy hoạch 15ha và cho các doanh nghiệp thuê kinh doanh bến bãi chứa nguyên vật liệu. 11 doanh nghiệp đã thuê đất kinh doanh tại đây, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất than cám, than hoa.
   
  Theo phản ánh của người dân, Ủy ban nhân dân xã Lưu Kỳ và xác nhận của ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, do khu dân cư nằm gần khu vực sản xuất, cách chừng 50m nên từ năm 2006 đến nay hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư.
   
  Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Giang (gọi tắt là Công ty Đức Giang) còn ngang nhiên chống đối quyết định dừng hoạt động của huyện Thủy Nguyên.
   
  Cụ thể, do gây ô nhiễm môi trường, năm 2013, Công ty Đức Giang đã bị huyện Thủy Nguyên ra quyết định dừng hoạt động. Nhưng không những không chấp hành, công ty còn ngang nhiên sản xuất và xây dựng thêm lò đốt, sản xuất than hoa. Hiện công ty Đức Giang đã xây dựng hơn 40 lò quy mô lớn để sản xuất.
   
  Ngày 6/1 vừa qua, khi nhân dân thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ bức xúc lập rào chắn, ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực này, Công ty Đức Giang vẫn đang hoạt động.
   
  Ông Đào Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lưu Kỳ cho biết, Công ty Đức Giang vẫn hoạt động bình thường, khói từ các lò vẫn theo gió cuốn vào thôn Đá Bạc.
   
  Ngoài Công ty Đức Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Yên (đơn vị nằm cạnh Công ty Đức Giang) cũng ngang nhiên thực hiện việc cải hoán, sửa chữa tàu trái phép, không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh.
   
  Ngay ở thời điểm ngày 6/1, khi nhân dân thôn Đá Bạc lập rào, không cho doanh nghiệp hoạt động, Công ty Hoa Yên cũng đang cải hoán một con tàu có trọng tải ước tính vài nghìn tấn.
   
  Cũng theo Ủy ban nhân dân xã Lưu Kỳ, không chỉ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, các doanh nghiệp tại khu vực này còn chuyển nhượng đất trái phép. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp sau khi thuê đất đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác thuê lại. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây khó khăn cho chính quyền xã trong việc quản lý.
   
  Ông Đào Văn Lợi cho biết, khi vụ việc xảy ra rất khó liên lạc với các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp không đặt văn phòng tại đây và thường đổ trách nhiệm cho chủ thuê đất.
   
  Trong buổi làm việc diễn ra ngày 7/1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh và ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủy Nguyên đã thừa nhận những sai phạm trên của các doanh nghiệp là có.
   
  Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẩn trương rà soát hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực này.
   
  Đã hơn 10 năm, "tổ hợp" doanh nghiệp tại thôn Đá Bạc vẫn tiếp diễn hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Tình trạng vi phạm kéo dài này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm.
   
TT