Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác ở Hà Nội: Giảm áp lực chôn lấp

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/12/2014

(TN&MT) - Trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương, huyện Thanh Oai đi vào hoạt động với việc ứng dụng thành công chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ BIO-MIX
   
(TN&MT) - Trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương, huyện Thanh Oai đi vào hoạt động với việc ứng dụng thành công chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ BIO-MIX đang được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực  rác thải cho thủ đô Hà Nội đang  bị quá tải.
   
Rác tồn, thiếu nơi chôn lấp gây ô nhiễm
   
  Trong khi lượng rác khu vực nội thành cơ bản đã được thu gom, giải quyết không có hiện tượng tồn đọng thì ở các huyện ngoại thành vẫn đang là nỗi trăn trở của lãnh đạo các Sở, ban ngành thành phố.
   
  Khu vực 17 huyện ngoại thành Hà Nội với tổng số dân gần 4 triệu người chiếm khoảng 55% dân số toàn thành phố. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hàng ngày lượng rác thải phát sinh tại khu vực này lên tới gần 3.000 tấn. Mặc dù, cho đến thời điểm này các địa phương đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình xử lý rác thải, chất thải song cơ sở vật chất, hạ tầng chưa thực đồng bộ dẫn đến chất lượng vệ sinh môi trường đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác còn một khoảng cách tương đối lớn so với khu vực nội thành.
   
   
  Ước tính, tỷ lệ thu gom rác ở các khu vực này chỉ đạt khoảng trên 60% khối lượng rác phát sinh mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực xử lý tại các khu xử lý rác tập trung của thành phố chưa đáp ứng hết nhu cầu. Bên cạnh đó phương tiện tiến hành thu gom còn thô sơ, cự ly thu gom dài gấp 3 - 4 lần so với khu vực nội thành. Điều này dẫn đến chi phí cao trong khi khả năng cân đối nguồn ngân sách của các huyện chưa đáp ứng được.
   
  Khối lượng rác tồn đọng cần giải quyết tại các huyện của Hà Nội là hơn 30% và giải pháp hiện nay các huyện vẫn đang áp dụng là xử lý theo hình thức chôn lấp thủ công, phân tán tại các làng xã. Hình thức chôn lấp là phương pháp vệ sinh tương đối rẻ tiền. Tuy nhiên các bãi chôn lấp thiết kế kém hoặc quản lý kém có thể tạo ra tác động xấu đến môi trường, sức khỏe của người dân, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt và mạch nước ngầm.
   
Ứng dụng chế phẩm vi sinh,  giảm ô nhiễm
   
  Rác thải tồn đọng, thải ra môi trường ngày càng nhiều nếu không được xử lý nhanh chóng sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vì vậy việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại các huyện ngoại thành là vấn đề hết sức cấp thiết cần được các cơ quan chức năng thành phố quan tâm giải quyết.
   
  Gần đây việc khảo sát, nghiên cứu thiết bị thu gom rác nông thôn phù hợp với điều kiện hạ tầng, thành phần rác và khả năng tài chính địa phương của nhiều doanh nghiệp trong đó có công ty CP môi trường và CTĐT Nam Thăng Long đã cho những kết quả khả quan, cùng với đó là việc kết hợp thành tựu khoa học khi áp dụng thành công chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ BIO-MIX 1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận số 14/LH-CPSHMT cho việc xử lý rác trên toàn quốc đã mở ra hướng mới trong việc giải quyết rác thải khu vực nông thôn.
   
   
  Công ty CP môi trường và CTĐT Nam Thăng Long được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư xây dựng trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương với công suất 125 tấn/ngày/đêm. Trạm xử lý sẽ phân loại rác thành 3 thành phần: Vô cơ, hữu cơ và chất thải trơ, mỗi loại được xử lý theo công nghệ phù hợp với đặc điểm, thời gian phân hủy. Trong đó rác thải vô cơ sau khi phân loại được đưa vào máy ép rác rồi chuyển đến nhà máy xử lý tập trung của thành phố để tiến hành đốt. Với rác hữu cơ sau khi ủ hiếu khí sẽ đưa vào sàng rung phân loại thành nguyên liệu phân Compost cải tạo đất, cuối cùng là chất thải trơ như gạch, đá được mang đi chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường.
   
  Ông Nguyễn Văn Lý, Chi cục Trưởng Chi cục môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương là mô hình mới tiết kiệm chi phí do giảm được 50% khối lượng rác khi vận chuyển đến khu xử lý cuối cùng của thành phố, bên cạnh đó rác hữu cơ mùn được xử lý làm phân Compost. Đây là điểm mới phù hợp chủ chương của thành phố trong việc giải quyết rác nông thôn. Ngoài ra lượng rác được thu gom, xử lý trên địa bàn huyện Thanh Oai cũng tăng từ 65% lên 95%, không còn phải chôn lấp rác tươi, đặc biệt hạn chế tối đa nước rỉ rác, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
   
  Tuy mới đi vào hoạt động song trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương đã cho thấy nhiều điểm phù hợp trong việc xử lý rác tại các vùng nông thôn, đặc biệt là những hiểu quả rõ rệt mà nó mạng lại như: Bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và góp phần phân bổ thu gom, xử lý rác hợp lý. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu, phát triển và nhân rộng mô hình ra các huyện còn lại của Hà Nội cũng như cả nước.
   
  Bài và ảnh: HUY AN