Sơn La: Dân tố hồ chứa nước thải ở mỏ đồng Tân Hợp gây ô nhiễm
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/12/2014
(TN&MT) - Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải và khai thác khoáng sản của Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc.
(TN&MT) - Một hồ chứa bùn thải “xanh lét” nằm chực chờ ngay bên hồ sông Đà ngày đêm bốc mùi nồng nặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Khốn khổ, người dân chẳng biết kêu ai. Có thể do đặc thù miền núi, “phố huyện” ở xa, nên sự giám sát của các cơ quan chức năng phần nào còn hạn chế, khiến cho Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc, có địa chỉ tại số 144, đường Trường Chinh, tổ 4, phường Quyết Thắng, TP Sơn La mặc sức “làm liều” tại mỏ đồng và nghiền tuyển của mình tại bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải và khai thác khoáng sản của công ty này.
Người dân bức xúc tố những ô nhiễm do nhà máy kim loại màu Sơn La gây ra |
Ô nhiễm mùi, bụi
Trao đổi với phóng viên, bà Mùi Thị Viên, nhà ngay sát hồ thải bức xúc cho biết: “Hàng ngày, mùi hóa chất từ dưới hồ bốc lên, khiến người dân sinh sống ở đây ngột ngạt, khó thở. Người dân cũng không biết đó là những loại hóa chất gì, chỉ biết công nhân nhà máy lấy quặng từ lòng núi ra, sau đó nghiền qua một hệ thống máy móc rồi xối nước thải cả bùn lẫn nước chảy về hồ chứa này. Năm ngoái còn chưa có đập ngăn, sang năm 2014 này mới có 1 đập đá ngăn giữa lòng hồ sông Đà và khu hồ thải. Nỗi khổ về mùi khó chịu bốc lên từ hồ ô nhiễm chưa dứt, hàng ngày người dân còn chịu cảnh xe tải trọng lớn chạy bạt mạng từ trong nhà máy ra ngoài đường lớn. Nhiều trẻ em khiếp đảm khi thấy những loại xe này vì nó quá lớn và gây bão bụi mỗi khi qua bản”.
Những ký tự lạ tại hầm khai thác
Được một người dân dẫn vào sát chân đập, phóng viên quan sát thấy: thân đập đá có hiện tượng nước rò rỉ. Có 1 trạm bơm nước thải ra, nhưng không hoạt động. Có một số van tiêu thoát, nếu mở van, có thể xả thẳng thứ nước độc hại từ trong hồ chứa bùn thải ra hồ sông Đà bởi khu vực lòng hồ sông Đà thuộc thủy điện Hòa Bình này có mực nước lớn và rộng, độ sâu đến hàng trăm mét nên nếu doanh nghiệp làm ăn thiếu nghiêm túc, sẽ có hiện tượng xả trộm ra môi trường thì đó là một hậu quả khôn lường.
Một máy bơm nước từ hồ sông Đà vào |
Trao đổi với phóng viên ông Mùi Văn Thứng, trưởng bản Sao Tua cho biết: “Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị khá nhiều lên các cấp xã, huyện, tỉnh. Nhiều bà con còn “tố cáo” nhà máy có hiện tượng xả thải trộm ra môi trường. Nhưng do phạm vi, chức năng của thôn có giới hạn nên chỉ biết báo cáo lên ủy ban đề nghị sớm làm rõ thôik8 5r3e90.65e”.
Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường bên hồ chứa nước thải ô nhiễm |
Thách thức pháp luật?
Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến đặt lịch làm việc với Nhà máy chế biến kim loại màu Sơn La, trực thuộc Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc (có địa chỉ tại số 144, đường Trường Chinh, tổ 4, phường Quyết Thắng, TP Sơn La). Sau khi nhân viên báo cáo với ông Mai Chí Tuệ, người quản lý nhà máy này, ông Tuệ không hợp tác và không cung cấp thông tin. Phóng viên đã gọi điện thoại đến số điện thoại của ông Tuệ thì ông này lấy lý do bận việc nên không có gì để nói cả. Sau khi nghe phóng viên trình bày những vấn đề dư luận nhân dân quan tâm như: Đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải ra hồ Sông Đà, tại sao có nhiều ký hiệu lạ trên khu vực khai thác…ông Tuệ đã không trả lời và cũng nhấn mạnh sẽ không trả lời, cần gì cứ lên cấp xã, huyện…mà hỏi(?!).
Trạm bơm nước thải, nhưng không thấy hoạt động |
Cực chẳng đã, phóng viên trèo lên quả đồi đối diện quan sát vào khu vực khai mỏ thì chúng tôi vô cùng ngạc nhiên: Một số cửa hầm khai thác treo đầy chữ nước ngoài chằng chịt, không rõ chữ hay ký hiệu gì tại đây. Đất đá xúc đổ vô tội vạ, các thùng hóa chất lớn nhỏ xếp la liệt chờ ngày phân kim. Hầu hết bùn thải có dấu hiệu đều chảy về hồ lắng ven sông Đà...
Ông Trương Hoa Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu làm việc với PV Báo Tài nguyên & Môi trường |
Làm việc với phóng viên, ông Trương Hoa Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: đã có nhiều lần, UBND huyện Mộc Châu ra văn bản yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc cần khắc phục những vi phạm về môi trường, thậm chí sẽ đề nghị rút giấy phép nếu Cty này cố tình làm trái các quy định về bảo vệ môi trường. “Quan điểm của UBND huyện Mộc Châu là không dung túng, bao che cho những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm trái các quy định của Chính phủ” - ông Trương Hoa Bắc nhấn mạnh.
Báo Tài nguyên & Môi trường online sẽ tiếp tục thông tin nội dung vụ việc này.
Bài & ảnh: Hà Thúy – Nhật Lam