Vụ rừng giáp ranh Đắk Lắk – Gia Lai bị tàn phá: “Rừng bị khai thác trái phép thuộc địa phận tỉnh Gia Lai”

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2014

(TN&MT) - UBND huyện Krông Năng cho rằng các cây gỗ quý bị khai thác trái phép chủ yếu thuộc khu vực giáp ranh huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
   
(TN&MT) - Đó là nội dung chính trong văn bản phúc đáp của UBND huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) gửi đến các cơ quan báo chí - truyền hình sau khi các cơ quan báo chí đồng loạt thông tin về việc lâm tặc ồ ạt kéo vào khu vực rừng giáp ranh Gia Lai, thuộc địa phận xã Cư Klông (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khai thác lâm sản trái phép.
   
UBND huyện Krông Năng cho rằng các cây gỗ quý bị khai thác trái phép chủ yếu thuộc khu vực giáp ranh huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai)
      .
   
  Như báo TN&MT online  đã thông tin trong bài viết “Tan nát rừng giáp ranh Đắk Lắk - Gia Lai” ngày 15/11, thời gian gần đây, lâm tặc ồ ạt kéo vào rừng ở tiểu khu 306 xã Cư Klông (giáp ranh với xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) mở đường, đốn hạ hàng trăm cây gỗ quý. Lâm tặc còn mở xưởng cưa ngay tại rừng, “cẩn thận” xẻ gỗ ngay tại gốc thành các lóng, hộp vuông văn rồi mới sử dụng máy móc, trâu… kéo về tập kết tại nhiều nhà dân ở thôn Cư Klông (xã Cư Klông). Theo phản ánh của người dân địa phương, lâm tặc thường vận chuyển gỗ ra ngoài tiêu thụ bằng con đường qua xã Đliêya (huyện Krông Năng) nhưng chính quyền địa phương lại “không hề biết”, vì vậy họ cho rằng chính quyền địa phương đã làm ngơ, thậm chí “tiếp tay” cho lâm tặc.
   
  Sau cuộc “lội rừng” ngày 11/11/2014, nhóm người dẫn đường (là người dân địa phương, thường xuyên đi rừng) đã khẳng định các cây gỗ quý bị đốn hạ chủ yếu thuộc tiểu khu 306, ở thôn Cư Klông và do UBND xã Cư Klông làm chủ rừng. Bên cạnh đó, các phương tiện máy móc (có thiết bị định vị) của nhóm PV cũng cho kết quả tương tự. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với PV chiều tối cùng ngày, Chủ tịch UBND xã Cư Klông lại cho rằng đó là rừng của tỉnh Gia Lai và lập tức sẽ cho người kiểm tra. Chẳng biết xã có kiểm tra hay không nhưng sáng sớm ngày 12/11/2014, vị Chủ tịch này đã điện thoại cho PV báo TN&MT và khẳng định “rừng bị phá thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, không phải rừng do địa phương quản lý”?.
   
   
  Sau khi nhận được Báo cáo số 57/BC-HKL ngày 14/11/2014 của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, UBND huyện Krông Năng đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc. Theo kết quả tại văn bản phúc đáp các cơ quan báo chí số 1934/UBND-KL ngày 2/12 của UBND huyện Krông Năng, “tình trạng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 306 do UBND xã Cư Klông quản lý và gỗ khai thác trái phép chất đầy trong nhà dân (ở thôn Cư Klông) là không có”. Diện tích rừng bị khai thác trái phép chủ yếu thuộc khu vực giáp ranh huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) nên các ngành chức năng của huyện đã thông báo đến Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa để có kế hoạch kiểm tra, truy quét. UBND huyện Krông Năng cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk làm việc với tỉnh Gia Lai, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.
   
        
Hơn 52m3 gỗ Giỗi bị chặt hạ
        
Cũng theo kết quả kiểm tra, rà soát của UBND huyện Krông Năng, đã có 46 cây gỗ Giỗi lá mít (tương đương 52,686m3 gỗ) tại tiểu khu 315A và 316 xã Ea Tam (thuộc lâm phần của Ban Quản lý Dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý) bị người dân vào chặt hạ để thu hái quả. Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng đang tiến hành điều tra để xử lý theo pháp luật.
        
    
   
Bài & ảnh: Lê Phước