Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường tại Nghệ An: Vẫn cố tình không tuân thủ luật?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/11/2014

(TN&MT) - Nghị định 27/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
(TN&MT) - Nghị định 27/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Theo đó, những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này phải được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép với quy trình nghiêm ngặt mới được tiến hành các dịch vụ quan trắc môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực tế lại không phải như vậy...
   
  Trước những bất cập về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong những năm trước, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/6/2013. Sau đó, ngày 03/12/2013, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã ra Thông tư 42/2013/TT-BTNMT Quy định chi tiết việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và mẫu giấy chứng nhận.
   
     
Công văn của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về việc “thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh”.
      
   
  Tại tỉnh Nghệ An, sau khi Nghị định 27 ra đời và có hiệu lực, ngày 07/6/2013, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã ra Công văn số 1503/STNMT-BVMT về việc “thực hiện Nghị định số 27/2013/NĐ-CP” gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Công văn nêu rõ: “... Kể từ ngày 05/6/2013, các tổ chức, đơn vị không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thì không được thực hiện hoạt động quan trắc môi trường, bao gồm hoạt động quan trắc tại hiện trường và hoạt động phân tích môi trường...”.
   
  Các Nghị định, Thông tư cũng như văn bản của tỉnh Nghệ An đã quá rõ rang. Thế nhưng trên thực tế hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trên địa bàn vẫn còn rất lộn xộn, mạnh ai nấy làm, nhiều đơn vị dù không được cấp phép hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường nhưng vẫn cố tình ký hợp đồng với các doanh nghiệp phải thực hiện quan trắc môi trường để thực hiện công việc này và ngang nhiên ký, ban hành “Báo cáo quan trắc giám sát chất lượng môi trường” bất chấp quy định của pháp luật...
   
  Theo tiết lộ của chủ một chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nam Đàn, trong năm 2014 đơn vị này vẫn ký hợp đồng quan trắc môi trường với Công ty CP thiết bị và Công nghệ Phú Khánh để thực hiện “Báo cáo giám sát môi trường định kỳ” dù đơn vị này không hề đủ điều kiện hoạt động về lĩnh vực này (chưa được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép). Theo tìm hiểu của PV, báo cáo này được lập vào tháng 5/2014. Tại phiếu kết quả phân tích chất lượng nước thải, khí thải và tiếng ồn được thể hiện trong báo cáo này đều nằm trong giới hạn cho phép trong QCVN 05:2009/BTNMT – Quy chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT – Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn...?
   
  Cũng theo tài liệu chúng tôi có được, một Nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đóng trên địa bàn cũng đã có một bản báo cáo “Báo cáo giám sát chất lượng môi trường (đợt 1 năm 2014) và các kết quả phân tích chất lượng nước thải cũng như chất lượng không khí đều là “sản phẩm” của  Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An? Và, kết luận, kiến nghị trong bản báo cáo này đều có chung nhận định là... “đạt” so với các Quy chuẩn Việt Nam?
   
  Hai trường hợp nêu trên chỉ là số ít trong nhiều những “Báo cáo quan trắc giám sát môi trường” chúng tôi thu thập được trong quá trình làm việc thực tế tại một số nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
   
  Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, khẳng định: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có hai đơn vị được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường là Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật môi trường Nghệ An (thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Nghệ An) và Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên & Môi trường. Ngoài ra, những đơn vị khác trên địa bàn tỉnh có hoạt động về dịch vụ quan trắc môi trường trước khi có nghị định 27 ra đời nhưng đến nay vẫn làm công việc này là vi phạm, kết quả mà họ ban hành đương nhiên không có hiệu lực pháp lý”.
   
  Khi được hỏi về chế tài xử lý các đơn vị này sẽ như thế nào nếu có vi phạm? Ông Cử cho biết thêm: “Đương nhiên là kết quả quan trắc môi trường đó sẽ không có giá trị pháp lý và đơn vị sử dụng kết quả đó sẽ không được chấp nhận, sẽ bị xử lý theo khung “không tiến hành hoạt động quan trắc môi trường”, đồng thời xử lý các cá nhân, đơn vị hoạt động dịch vụ quan trắc khi chưa có phép theo quy định của pháp luật”.
   
  Cũng theo ông Cử, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, mới đây Sở TN&MT Nghệ An đã liên tiếp có các công văn gửi đến UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng như các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Đó là Công văn số 2937/STNMT-BVMT, ngày 18/7/2014 về việc “thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh” và Công văn số 2938/STNMT-BVMT, ngày 18/7/2014 về việc “thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường”.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bản đọc xung quanh vấn đề này.
   
       Theo Nghị định 27/2013/NĐ-CP thì tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có đủ 3 điều kiện.
        
       Thứ nhất, tổ chức đó phải có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó có hoạt động quan trắc môi trường.
        
       Thứ hai, phải có đủ điều kiện về nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc hiện trường theo quy định như người đứng đầu của tổ chức phải có trình độ từ đại học trở lên. Bên cạnh đó, phải có người trực tiếp phụ trách đội quan trắc tại hiện trường phải có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về môi trường, hóa học, sinh học, lâm nghiệp, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường…
        
       Thứ ba, tổ chức đó phải có đủ điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường theo quy định như: có các trang thiết bị, dụng cụ và hóa chất đủ để thực hiện việc lấy mẫu phân tích môi trường, bảo quản mẫu và đo, thử nghiệm và phân tích tại hiện trường các thành phần môi trường…
    
   
Đình Tiệp