6 năm triển khai Luật Đa dạng sinh học: Nhựa sống cho công tác bảo tồn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/10/2014
(TN&MT) - Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) 2008 được ban hành đã tạo một hành lang pháp lý thống nhất điều chỉnh việc bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH...
(TN&MT) - Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) 2008 được ban hành đã tạo một hành lang pháp lý thống nhất điều chỉnh việc bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, đáp ứng được nhu cầu cấp bách của hoạt động bảo tồn hiện nay và trong tương lai.
Việt Nam nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Phải khẳng định rằng, Luật ĐDSH 2008 được ban hành đã thể hiện sự nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc điều chỉnh thực trạng bảo tồn ĐDSH hiện nay của Việt Nam. Một hành lang pháp lý được xây dựng góp phần hệ thống hoá các quy định rải rác trước đó cũng như bổ sung thêm những nội dung mới nhằm điều chỉnh đầy đủ và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo tồn ĐDSH - một trong những phương thức bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên.
Qua 6 năm kể từ khi có hiệu lực, Luật ĐDSH đã tiếp thêm nhựa sống cho công tác quản lý bảo tồn ĐDSH trong các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, vùng biển của Việt Nam với một số thành tích đáng khích lệ, chẳng hạn đã thu thập nhiều tư liệu bổ sung, đánh giá hiện trạng ĐDSH ở 164 khu rừng đặc dụng làm cơ sở cho việc đề xuất trong chiến lược rà soát, quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, tổ chức bảo tồn các vườn quốc gia (VQG), các khu bảo tồn thiên nhiên. Ở một số địa phương đã xây dựng các tiêu chí cụ thể xác định loài và chế độ quản lý bảo vệ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 37 Luật ĐDSH).
Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến ĐDSH như: Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (UNCBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng (CITES), Nghị định thư về an toàn sinh học (CARTAGENA)… Nhiều cam kết quốc tế đã được luật hóa trong Luật ĐDSH năm 2008.
Có thể thấy rằng, những nội dung nội luật hoá quan trọng nhất là các nội dung trong Công ước của Liên hợp quốc về ĐDSH như: Quy định rõ và đầy đủ về nội dung và trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp cả nước và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quy định rõ và đầy đủ về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bao gồm bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững các loài sinh vật; quy định về trách nhiệm quản lý nguồn gen và quản lý các hoạt động liên quan đến nguồn gen,…
Bước tiến mới
Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen là một nội dung hoàn toàn mới đối với hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước đến nay. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, Luật ĐDSH đã đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ nguồn gen ở Việt Nam. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thứ ba của Công ước ĐDSH, đó là chia sẻ một cách công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong Luật ĐDSH 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH đã thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đây là một nỗ lực lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh các bên vẫn đang trong quá trình thương lượng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh.
Mặc dù là mới và khó nhưng trong thời gian qua, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cũng đã vận dụng các điều khoản trong Luật ĐDSH để tiến hành thử nghiệm ở một số VQG, khu bảo tồn như Bạch Mã, Ba Vì, Cát Bà, Côn Đảo, Bidoup Núi Bà, Vân Long... Qua đó, cộng đồng sống xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên được cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các sinh kế, tăng việc làm thông qua hoạt động bảo tồn ĐDSH. Đây là giải pháp tạo sự đồng thuận, nhất trí tham gia của cộng đồng trong chiến lược bảo tồn ĐDSH.
Còn đó những thách thức
Vấn đề bảo tồn và phát triển ĐDSH đã được thống nhất trong một hành lang pháp lý chung là Luật ĐDSH năm 2008. Tuy nhiên, vẫn có các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh vấn đề này, đơn cử như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Thủy sản năm 2003… và trong mối tương quan với các văn bản này, Luật ĐDSH được xem là luật khung.
Trong khi đó, một điều có thể nhận thấy là Việt Nam vẫn còn thiếu các văn bản pháp luật liên ngành giữa các Bộ, ngành để điều chỉnh cơ chế phối hợp trong hoạt động bảo tồn ĐDSH. Đây là một hạn chế bởi Luật ĐDSH chỉ là luật khung, còn việc điều chỉnh cụ thể lại là các văn bản chuyên ngành, do đó, việc thiếu sót những văn bản liên ngành sẽ gây khó khăn trong sự kết hợp giữa các ngành trong hoạt động này, dẫn đến một hậu quả là hiệu quả của hoạt động bảo tồn ĐDSH không đạt được như ý muốn, tách riêng, nhỏ lẻ giữa các ngành, thiếu tính gắn kết và đồng bộ,…
ĐDSH là một đối tượng đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa các ngành, các thành phần của xã hội thì mới mong có được kết quả bảo tồn và phát triển như mong muốn.
Phương Anh