Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức: 10 năm hợp tác vì môi trường Việt Nam

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2014

(TN&MT) - Ngày 21/10, Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức tổ chức hội nghị 10 năm hợp tác vì môi...
   
(TN&MT) - Ngày 21/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) đã long trọng tổ chức Hội nghị “Đánh giá 10 năm hợp tác giữa BộTN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức và định hướng hợp tác giai đoạn tới”. Tới tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Bùi Cách Tuyến, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Về phía Cộng hòa Liên bang Đức có bà Juutta Frach, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, ngài Gunther Adler, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ BMUB cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị giữa hai bộ của hai nhà nước.
   
  Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, qua 10 năm triển khai biên bản hợp tác, mối quan hệ phối hợp giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã ngày càng được gắn kết mật thiết. Kết quả triển khai đã góp phần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm; đồng thời nâng cao năng lực về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý của Việt Nam. Thay mặt Bộ TN&MT Thứ trưởng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác của Bộ BMUB Cộng hòa Liên bang Đức, sự ủng hộ và giúp đỡ của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức với công cuộc bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam trong suốt thời gian qua.
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Hội nghị
   
  Đánh giá kết quả hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa CHLB Đức và Việt Nam thời gian qua và triển vọng hợp tác Quốc vụ khanh Gunther Adler cho rằng, với sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa 2 Bộ, đến nay chúng ta đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực như: Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quan trắc dioxin, quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu, đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường; tư vấn, phân tích chính sách và dự báo chiến lược trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Tăng cường năng lực và chuyển giao kiến thức trong xây dựng, thực thi chính sách pháp luật về quản lý bền vững nguồn tài nguyên theo hướng tăng trưởng xanh; Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam; Hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước cho vùng núi đá vôi Việt Nam,…; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển hệ thống đồng bộ hóa số liệu khí tượng thủy văn; Chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường đất; tăng cường năng lực về quản lý giám sát chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất tại Việt Nam.
   
Ngài Gunther Adler, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ BMUB, CHLB Đức
   
  Nhân dịp này, thay mặt cho hai Bộ ngài Quốc vụ khanh đã tuyên dương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự hợp tác Việt – Đức trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời đại diện cho hai Nhà nước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Bùi Cách Tuyến và ngài Gunther Adler Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ BMUB đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa hai Bộ nhân dịp sắp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015.
   
   
Ngài Gunther và Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến ký kết Biên bản ghi nhớ
   
  Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy hơn nữa những kết quả hợp tác đã đạt được trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa hai Bộ trong giai đoạn 10 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân, Cộng hòa Liên bang Đức trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực chính sau đây: Một là, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý và xử lý chất thải; giáo dục và đào tạo về môi trường; tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Hai là, tăng cường hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường đất thông qua thực hiện dự án cụ thể về Dự án phát triển cây năng lượng để cải tạo các vùng đất bị ô nhiễm tại Việt Nam; Xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trong đất. Ba là, tích cực hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu như giảm thiểu sự phát tán khí nhà kính, kể cả dưới hình thức NAMAs; giảm thiểu tự nhiên khí CO¬2 với trọng tâm REDD+; ứng phó với biển đổi khí hậu gắn với các dự án bảo tồn và phát triển rừng; giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu. Bốn là, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước. Năm là, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực cho Việt Nam trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các dự án, hỗ trợ kinh phí.
   
Nguyễn Cường