Nhà máy chế biến tinh bột mì (huyện Sa Thầy, Kon Tum): Ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm!
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 09/10/2014
(TN&MT) - Người dân nơi đây đã bất lực vì có kêu cứu mãi cũng không ai nghe. Họ đành phải sống chung với ô nhiễm, hàng này vẫn phải hít thở bầu không khí hôi...
(TN&MT) – Đã mười năm nay, người dân sống tại thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) phải sống chung với môi trường bị ô nhiễm nặng do hoạt động của Nhà máy chế biến tinh bột mì nằm ngay trong xã gây ra. Thái độ bất bình, không còn tin tưởng vào chính quyền địa phương về việc sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm này chính là biểu hiện của những người dân nơi đây khi tiếp xúc với phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường.
Nhà máy tinh bột mì Sa Nhơn, nơi gây ô nhiễm |
Ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm
Vào ngày 08/10/2014, có dịp đi công tác đến huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Khi đi ngang qua địa phận xã Sa Nhơn, một mùi hôi thối nồng nặc bao quanh cả khu vực này nên chúng tôi đã dừng lại để tìm hiểu. Qua tìm hiểu được biết, nhà máy chế biến tinh bột mì Sa Nhơn (nhà máy chế biến tinh bột mì Thịnh Phát cũ) chính là thủ phạm gây ra mùi hôi thối này. Không những thế, hoạt động của nhà máy còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước suối tự nhiên của cả khu vực xung quanh.
Khu vực thu mua nguyên liệu và nhà máy sản xuất |
Được biết, năm 2004, nhà máy chế biến tinh bột mì Thịnh Phát bắt đầu đi vào hoạt động. Đây cũng chính là lúc mà hàng trăm người dân sống tại thôn Nhơn Bình bắt đầu phải chịu cảnh sống chung với môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vào mùa khô, khoảng tầm từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, khi bắt đầu vào vụ mì, nhà máy hoạt động hết công suất, nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra dòng suối Đăk Xia chảy ngang qua xã Sa Nhơn.
Hệ thống xử lý nước thải sơ sài, bốc mùi nồng nặc |
Vấn đề ô nhiễm đã có ngay từ khi nhà máy bắt đầu hoạt động, người dân nơi đây cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương thông qua đơn khiếu nại hay ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết.
Bà Đinh Thị Khánh, sống ngay trước khu vực đặt hồ chứa nước thải của nhà máy cho biết, năm 2013, khi sự cố vỡ đường ống nước thải của nhà máy xảy ra, nước thải chảy lênh láng ra đường, đổ xuống suối Đăk Xia và ruộng lúa của người dân, gây chết hàng loạt diện tích hoa màu, cá chết trắng cả dòng suối thì lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhưng chỉ đến kiểm tra xong rồi đâu lại vào đấy, không thấy giải quyết được gì.
Nước thải tại hồ sinh học có màu đen xám và đặc quánh |
Năm 2014, Công ty Thịnh Phát vì lý do thua lỗ đã chuyển nhượng lại nhà máy cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu (CP XNK) nông sản ViNa (Vina Exim) và chuyển tên nhà máy thành nhà máy chế biến tinh bột mì Sa Nhơn – Sa Thầy – Kon Tum. Bà con nơi đây luôn hi vọng chủ mới của nhà máy sẽ khắc phục được vấn đề ô nhiễm khi nhà máy hoạt động, nhưng hi vọng rồi lại thất vọng khi nhà máy dù có thay đổi chủ nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Đường ống dẫn nước thải vào công trình xử lý |
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch mì, nhà máy đã bắt đầu hoạt động được 1 tháng nhưng vấn đề ô nhiễm đã xảy ra rất rõ ràng. Vào nhà một người dân sống ngay gần nhà máy, khi được hỏi về những ảnh hưởng do ô nhiễm nhà máy gây ra, chủ nhà là ông Nguyễn Văn Nam đã phản ứng rất gay gắt: “Hỏi gì mà hỏi, hỏi miết mà có thấy giải quyết đâu. Nhiều lần nhà báo, phóng viên đã đến đây chụp ảnh, quay phim, tôi cũng đã dẫn đi xem những nơi bị ô nhiễm mà giờ vẫn thế, chẳng cải thiện được gì. Cô thấy đấy, mùi hối thối thế này vẫn chưa là gì đâu, đến đêm, mùi còn nặng hơn nhiều vì lúc đó nhà máy bắt đầu xả thải trực tiếp ra suối này, nước cứ đen đặc y như nước phân trộn vậy”. Vừa nói, ông Nam vừa chỉ tay về phía dòng suối Đăk Xia đang chảy qua phía sau lưng nhà ông.
Thái độ của ông Nam cho thấy, người dân nơi đây đã bất lực vì có kêu cứu mãi cũng không ai nghe. Họ đành phải sống chung với ô nhiễm, hàng này vẫn phải hít thở bầu không khí hôi thối đó vì cuộc sống nghèo khó không có điều kiện mà chuyển đi nơi ở khác.
Trạm bơm nước thải của nhà máy |
Chính quyền địa phương làm ngơ?
Trước thực trạng ô nhiễm do nhà máy chế biến tinh bột mì Sa Nhơn gây ra và sự bức xúc của hàng trăm hộ dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm, phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường online đã liên hệ làm việc với UBND xã Sa Nhơn về vấn đề này. Làm việc với ông Huỳnh Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy, Kon Tum), khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm do nhà máy tinh bột mì Sa Nhơn gây ra và biện pháp giải quyết của xã về vấn đề này, ông Tài đã viện nhiều lý do và không trả lời.
Đường ống xả thải bên ngoài hệ thống xử lý nước thải |
Tiếp tục liên hệ làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy. Chúng tôi gặp ông Đào Duy Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, nhưng ngay trong giờ làm việc (khoảng 15 giờ 30), mà ông Hiến đang trong tình trạng không tỉnh táo, người nồng nặc mùi rượu, bia. Khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm của nhà máy tinh bột mì Sa Nhơn, ông Hiến nói rằng không thể cung cấp thông tin vì đang trong tình trạng không tỉnh táo vì đã có vài ly rượu, thêm vào đó, ông Hiến còn có thái độ thiếu tôn trọng với phóng viên.
Cống nước, nơi xả nước thải ra suối Đăk Xia vào ban đêm |
Tiếp tục liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Khải, cán bộ Văn phòng Sở, ông Khải cho biết, vấn đề ô nhiễm của nhà máy tinh bột mì Sa Nhơn là có thật. Vì đây là dự án mà tỉnh Kon Tum kêu gọi mãi mới có chủ đầu tư vào làm và nhà máy đang làm thủ tục chuyển nhượng giữa hai bên nên trước mắt không thể giải quyết vấn đề về môi trường. Công ty CP XNK nông sản Vina cũng đã cam kết, trong thời gian ngắn nhất sẽ điều chỉnh lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũ và thuê đơn vị tư vấn có trình độ chuyên môn để cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải cũ, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đầu ra, không gây ô nhiễm môi trường.
Dòng suối Đăk Xia bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đục ngàu |
Không thể phủ nhận rằng nhà máy tinh bột mì Sa Nhơn là nơi giải quyết việc làm cho rất nhiều nguời dân, là nơi thu mua nguyên liệu cho bà con xã Sa Nhơn và các xã lân cận. Nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải của nhà máy là rất nghiêm trọng và cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
Bã mì đổ bên ngoài nhà máy gây mùi hôi thối. |
Trong lúc đợi chờ nhà máy hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và cải tạo hệ thống xử lý nước thải, người dân nơi đây vẫn phải hằng ngày chịu đựng ô nhiễm khi mà nhà máy vẫn đang hoạt động hết công suất. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và nhà máy cần phải có giải pháp ngay tức thời để hạn chế ô nhiễm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bức xúc trong nhân dân.
Đoạn đường vào nhà máy bị hư hỏng nặng |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chỉ có 2 hồ bioga xử lý kị khí và 2 hồ sinh học. Nước thải tại hồ sinh học 2, là công trình xử lý cuối cùng của hệ thống xử lý nhưng có màu đen xám, đặc quánh. Hồ sinh học được thiết kế đơn giản, không có lớp lót chống thấm nên nước thải sẽ sẽ ngấm vào đất gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Ngoài đường ống dẫn vào bể xử lý, phóng viên phát hiện một đường ống xả thải chạy song song ngay phía trên bờ của hồ sinh học. Theo nhiều người dân, vào ban đêm (khoảng 2 đến 3 giờ sáng) nước thải của nhà máy còn được xả thẳng trực tiếp ra suối Đăk Xia qua đường ống cống phía bên ngoài nhà máy. |
Bài & ảnh: Quế Mai