Vịnh Hạ Long: Phế thải đang “ăn mòn” môi trường di sản

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/09/2014

(TN&MT) - Chất thải công nghiệp chưa qua xử lý thải thẳng ra Vịnh cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
(TN&MT) - Sở hữu phong cảnh đẹp, thơ mộng và quần thể sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long được Unessco hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tuy nhiên, nơi đây đang ngày càng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường do lượng dầu, mỡ tràn, rác thải du lịch ngày một gia tăng. Cộng thêm sự hoen gỉ của hàng chục con tàu trị giá lên tới trăm tỷ đồng nhưng đang trở thành phế thải nằm bất động dưới đáy biển ở phường Bạch Đằng, TP Hạ Long gần chục năm nay.
   
Bất lực và bất động
   
  Người dân phường Bạch Đằng cho biết, từ lâu họ đã thấy   9 con tàu, xà lan neo đậu ở sát hòn Cặp Bè. Lâu dần do nước mặn ăn mòn, sự rung lắc của các trận cuồng phong đã nhấn chìm phần lớn trong số đó. Được biết chủ nhân của 9 con tàu, xà lan đang trở thành phế thải này là của Công ty TNHH MTV Vận tải biển Viễn Dương Vinalines. 
   
   
Rác, nước thải từ trong dân góp phần đầu đọc Vịnh Hạ Long.
   
  Do neo đậu ở khu vực nước nông nên phần đầu tàu và xà lan vẫn còn nhô lên khỏi mặt biển. Nhiều chi tiết được lắp đặt trên tàu như: Vô lăng, lan can… đã bị kẻ xấu tháo dỡ.
   
  Bao quanh khu vực các tàu này đặc quánh rác cùng nhiều vết dầu loang từ khoang máy đã bị nhấn chìm chảy ra. Điều nguy hại hơn là những “đống phế thải” này nằm ngay bên con đường di tích Bài Thơ, bao quanh đó là thắng cảnh núi đá nơi hàng ngày có hàng chục tàu du lịch nghỉ đêm đưa khách đi tham quan Vịnh Hạ Long.
   
  Được biết, UBND TP Hạ Long đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc doanh nghiệp tổ chức di dời tàu, xà lan ra vị trí mới, đảm bảo mỹ quan cho Vịnh Hạ Long nhưng tới giờ họ vẫn không nhận được phản hồi của doanh nghiệp. Song, không biết vì lý do gì, UBND TP Hạ Long vẫn chưa dùng “biện pháp mạnh” cưỡng chế doanh nghiệp phải di dời hoặc có những cam kết bảo vệ môi trường khu vực này, cho dù không có hợp đồng về việc chấp thuận cho tàu, sà lan của doanh nghiệp neo đậu ở đây.
   
  Trong khi, nhiều người dân góp ý: Doanh nghiệp chỉ cần lên tiếng bán tàu, xà lan bằng giá bán sắt vụn, rao giá buổi sáng, buổi chiều sẽ có người trục vớt ngay. Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp là đã “ném” vào đây hàng trăm tỷ đồng, giờ bán thanh lý sắt vụn thì liệu có mua được một con thuyền mới? Vậy là bài toán vẫn chưa có đáp số, trong khi chính quyền bất lực thì các tàu, xà lan vẫn hàng ngày nằm phơi nắng, mưa và gây ô nhiễm một vùng rộng lớn.
   
“Khối u” môi trường
   
  Bằng mắt thường có thể thấy, các vùng nước ở Cảng tàu Du Lịch Bãi Cháy, Âu tàu Tuần Châu, các khu neo đậu tàu du lịch ở các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, hay cảng Cái Lân nơi nhập xăng, dầu của Công ty Xăng dầu B12 thì sự hiện diện của váng dầu loang càng thấy rõ hơn. Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp cũng là vấn đề đáng báo động ở đây.
   
  Khi thủy triều lên, rác thải ven bờ bị sóng cuốn trôi dạt ra Vịnh Hạ Long, trôi nổi khắp nơi. Chất thải công nghiệp, nước thải từ một số nhà máy, nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch chưa qua xử lý thải thẳng ra Vịnh cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và mỹ quan khu du lịch nổi tiếng này.
   
  Theo người dân địa phương thì sở dĩ khu vực Vịnh Hạ Long trở nên “bừa bãi” như vậy là bởi lượng tàu du lịch quá đông và hoạt động chưa chuyên nghiệp, lượng tàu cũ còn chiếm khá nhiều... Tại khu vực phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, trung bình mỗi ngày có khoảng 450 tàu du lịch đưa đón khách tham quan Vịnh Hạ Long và gần 1000 lượt tàu vận tải, tàu biển quốc tế... hoạt động 24/24h trên mặt biển. Dầu thừa từ những con tàu này cứ từng ngày che lấp mặt nước, chưa kể các phương tiện vận tải thủy, nhà bè, nhà hàng nơi đây cứ “vô tư” xả thẳng chất thải, rác bẩn xuống biển.
   
  Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy định yêu cầu các phương tiện tàu thuyền phải có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và thiết bị bảo vệ môi trường đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật; thắt chặt các quy định về quản lý vận chuyển hành khách trên vịnh; cũng như yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường và gần đây đang thúc giục các tàu du lịch phải trang bị các thiết bị ứng phó với sự cố tràn dầu…
   
  Tuy nhiên nếu không thường xuyên kiểm tra cũng như có những biện pháp răn đe thì cũng chỉ như muối bỏ bể. Và nếu những người kinh doanh du lịch  không hiểu được rằng họ tàn phá chính nơi đang nuôi sống họ thì chẳng mấy chốc, Vịnh Hạ Long sẽ biến thành một bãi phế thải khổng lồ trên biển. Khi ấy hẳn sẽ chẳng còn chỗ cho công việc kinh doanh vốn đang “hái ra tiền” trên vùng di sản quý giá này…
   
Doãn Xuân