Chi trả dịch vụ môi trường: Cơ chế tài chính bền vững bảo tồn thiên nhiên

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/09/2014

(TN&MT) - Trên thực tế, Chương trình bảo tồn ĐDSH khu vực châu Á đánh giá cao tiềm năng và xây dựng mô hình thí điểm PES rừng ở 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai và...
   
(TN&MT) - Chi trả dịch vụ môi trường (PES) liên quan đến đa dạng sinh học (ĐDSH) là một hướng tiếp cận mới, được coi là một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và xóa đói, giảm nghèo.
   
Lợi ích lớn từ PES
   
  Tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với các Bộ, ngành và 39 tỉnh, thành, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những kết quả tích cực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích nhiều mặt và được người dân đồng tình, ủng hộ.
   
   
PES nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.
   
  Theo đó, Việt Nam là nước tiên phong trong việc xây dựng chính sách và áp dụng thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số văn bản pháp luật đã đề cập đến dịch vụ hệ sinh thái như: Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) và Luật Bảo vệ môi trường (2005), Luật Đa dạng sinh học (2008) đều thừa nhận, các nhân tố của dịch vụ hệ sinh thái mang lại là bảo tồn ĐDSH, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và hấp thụ cácbon.
   
  Nghị định 99 cùng một loạt các văn bản pháp lý khác tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng - chính sách lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng được thành lập từ trung ương tới cấp huyện. Sau hơn 3 năm thực hiện, chi trả DVMTR đã tạo tổng doanh thu hơn 3.440 tỷ đồng. Các quỹ đã thanh toán cho người cung ứng dịch vụ hơn 1.781 tỷ đồng, giải ngân đến chủ rừng 1.393 tỷ đồng.
   
  Ý kiến từ các địa phương đều nhấn mạnh đây là nguồn tài chính hết sức quan trọng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong phát triển bảo vệ rừng. Hàng năm, nguồn tiền này đã góp phần bảo vệ từ 2,8 - 3,37 triệu ha rừng; làm giảm số vụ vi phạm lâm luật khoảng 19%; giảm diện tích rừng bị phá gần 60%...
   
  Bên cạnh đó, nhờ có thêm nguồn chi trả mới, mức thu nhập của người dân làm nghề rừng, nhận khoán bảo vệ rừng tăng cao hơn, mức trung bình đạt 1,8 triệu/ha/năm, đặc biệt như Lâm Đồng đạt trên 8 triệu, Bình Phước 7,2 triệu, Kon Tum gần 6 triệu, Đắc Lắc trên 3,4 triệu... Từ năm 2013, khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên, nguồn DVMTR đã giúp chủ rừng, công ty lâm nghiệp đứng vững, khôi phục sản xuất.
   
  Tính toán tổng thể cho biết, hiện NSNN hàng năm đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp thì nguồn DVMTR chiếm khoảng 22,3% nguồn kinh phí này.
   
Những mô hình bền vững
   
  Trên thực tế, Chương trình bảo tồn ĐDSH khu vực châu Á đánh giá cao tiềm năng và xây dựng mô hình thí điểm PES rừng ở 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
   
  Tại Sơn La, bên sử dụng dịch vụ được xác định là các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, nhà máy thuỷ điện Suối Sập, Công ty Cấp nước Phù Yên và Công ty Cấp nước Mộc Châu, bên cung cấp dịch vụ là các chủ rừng trên địa bàn 2 huyện thí điểm Mộc Châu và Phù Yên. Mức chi trả của từng công ty được xác định dựa trên tổng lượng điện/tổng lượng nước kinh doanh hàng năm trong đó đối với 1Kwh là 20 đồng, 1m3 nước là 30 đồng và bình quân/ha là 100.432 đồng.
   
  Chương trình thí điểm PES tại Lâm Đồng đã nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan và hiện nay các nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và Đại Ninh đang chi trả khoảng 55 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 hộ dân bảo vệ rừng được hưởng thu nhập bình quân từ 8,1 đến 8,7 triệu đồng/năm, cao gấp ba lần so với thu nhập nhận khoán trước đây để bảo vệ hơn 203 nghìn ha rừng. Nhiều hộ dân làm đơn xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển.
   
  Người dân tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn, đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán rừng và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ hơn. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở hai tỉnh đã giảm đáng kể. Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và cho đến nay, quỹ đã ký hợp đồng với 768 hộ gia đình với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng để bảo vệ 35.000 ha rừng.  Nhờ thực hiện chính sách trên, giá khoán cũng như diện tích nhận khoán tăng lên, thu nhập bình quân từ tiền nhận khoán rừng của các hộ trong xã Đa Nhim - Lạc Dương (Lâm Đồng) là 8,35 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn so với trước đây là 2,3 triệu đồng/hộ/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 15%; số vụ xâm hại rừng giảm 50% so với các năm trước đây.
   
Phương Anh