Làng nghề Triều Khúc (Hà Nội): Bao giờ thoát cảnh ô nhiễm môi trường?
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/09/2014
(TN&MT) - Kinh doanh phế liệu, tái chế nhựa, thu mua lông vũ mang lại cho người dân Triều Khúc cuộc sống khá giả hơn, song hệ lụy của nó là môi trường ô nhiễm.
(TN&MT) - Kinh doanh phế liệu, tái chế nhựa, thu mua lông vũ mang lại cho người dân Triều Khúc cuộc sống khá giả hơn, song hệ lụy của nó là môi trường ô nhiễm.
Sống chung với ô nhiễm
Theo thống kê của UBND xã Tân Triều, toàn xã có 201 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau bao gồm: Thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng. Trong đó, nghề chế biến lông vũ và nghề xay xát, tái chế nhựa có nhiều hộ tham gia sản xuất nhất.
Khu vực nghĩa trang Giò Gà thuộc xóm Cầu là nơi có hàng chục hộ thu mua, chế biến lông gia cầm theo phương pháp thủ công, thô sơ, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Trao đổi với chị Vân, một lao động đang tiến hành sơ chê cho biết: Khi phân loại lông thỉnh thoảng có đeo khẩu trang, nhưng vẫn dùng tay trần để sơ chế, lông chủ yếu được phơi tại những khoảng trống giữa các ngôi mộ và con đường bê tông chạy qua cách đồng được các chủ hộ ở đây tận dụng, còn mùi hôi và hăng nồng bốc lên từ những đống lông vũ, cùng với bụi lông bay khắp nơi thì không có cách nào xử lý được.
Người dân dường như đã quen với tình trạng này từ nhiều năm nay.
Xóm Cầu ô nhiễm, xóm Chùa cũng không mấy khả quan. Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Lộc xóm Chùa phân trần, chi phí sản xuất, vận chuyển ngày càng tăng, thu nhập từ nghề không bao nhiêu nhưng đây là nghề truyền thống của cha ông từ bao đời nên phải giữ. Trước đây, xóm Chùa có gần 30 hộ làm nghề, nay do quá trình tái chế nhựa phát ra tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, không có kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước, chất thải nên nhiều người bỏ nghề, hiện chỉ còn khoảng mười hộ làm nghề này.
Việc nước thải của các cơ sở sản xuất đều được xả thẳng ra môi trường mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào khiến mặt nước ao hồ xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm. Hầu hết các ao hồ đều không thể nuôi được cá do phải tiếp nhận một lượng nước thải rất lớn, điều này là mối đe dọa lớn tới nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Bao giờ thoát cảnh ô nhiễm?
Những năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đưa ra rất nhiều giải pháp để cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, trong số đó có giải pháp tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, với phương châm “tập trung một chỗ để dễ xử lý”.
Chủ trương là đúng, tích cực, nhưng khi đi vào thực tế các cụm công nghiệp làng nghề này lại chưa phát huy hiệu quả. Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Trì cho biết, cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc có diện tích 10 ha nên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu cơ sở sản xuất trong làng, các cơ sở không có chỗ trong cụm công nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm.
Để xảy ra tình trạng trên là do lãnh đạo xã Tân Triều chưa kiên quyết trong việc xử lý vi phạm. Cần làm nghiêm, xử phạt nặng các trường hợp gây ô nhiễm ở nghĩa trang Giò Gà; đối với cơ sở tái chế nhựa, phải làm bản cam kết BVMT, nếu không thực hiện, trong trường hợp gây ô nhiễm nặng sẽ buộc các cơ sở này phải di rời, hoặc ngừng sản xuất.
Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề với mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/làng nghề/một nội dung. Việc hỗ trợ nhằm khuyến khích, giúp đỡ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường là việc làm hết sức cần thiết đi đôi với xử phạt nghiêm minh mà chính quyền sở tại cần triển khai trong lúc này.
Một số hình ảnh PV ghi tại Làng nghề Triều Khúc (Hà Nội):
Huy An