Đánh giá tác động môi trường: Pháp lý và đạo đức

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2014

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia, đánh giá tác động môi trường cùng với đạo đức môi trường và ý thức của doanh nghiệp...
(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cùng với đạo đức môi trường và ý thức của doanh nghiệp, cộng đồng sẽ là các yếu tố quyết định sự thành công của mô hình phát triển bền vững. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để quản lý, kiểm soát toàn bộ chu trình của mỗi hoạt động đầu tư, phát triển.
   
S vào cuc ca c h thng
   
  Tại Hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thì định hướng phát triển bền vững đòi hỏi ngoài tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tránh lặp lại những sai lầm của một số quốc gia đi trước đã phải trả giá quá đắt để phục hồi môi trường do quá trình phát triển kinh tế gây ra.
   
ĐTM công cụ kiểm soát ô nhiễm hiệu quả
    
   
  Theo Tổng cục Môi trường, qua quá trình triển khai thi hành các quy định pháp luật cho thấy, ĐTM là công cụ quan trọng mang tính chất phòng ngừa để quản lý môi trường đối với các hoạt động phát triển; công tác ĐMC, ĐTM và KBM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần tích cực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
   
  Theo TS. Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), đối với ĐTM thực hiện ở cấp trung ương, số liệu điều tra cho thấy, Bộ TN&MT thẩm định trung bình mỗi năm khoảng 125 đến 150 báo cáo ĐTM. Từ năm 2011 đến nay là 470 báo cáo ĐTM. Ở địa phương, trong số 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phản hồi, tổng số có 5.623 báo cáo ĐTM, 1.960 đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt kể từ ngày Nghị định 29/2011 của Chính phủ có hiệu lực đến nay.
   
  Nội dung và chất lượng của báo cáo ĐTM ngày càng rõ ràng, khoa học và chi tiết hơn. Thông qua kết quả ĐTM, việc giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án trọng điểm như Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Dự án sắt Thạch Khê đã được tiến hành chặt chẽ. Các dự án được dư luận đặc biệt quan tâm như Cảng Lạch Huyện đã được khảo sát, thẩm định, phê duyệt; Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được Tổng cục Môi trường khảo sát thực tế, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
   
Vn còn d án ”b qua” ĐTM
   
  Mặc dù công tác ĐTM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đến nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường vẫn còn những bất cập, chưa đồng bộ gây khó khăn khi thực hiện cho cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
   
  Về điều này, ông Mai Thế Toản cho biết, còn nhiều dự án bỏ qua bước ĐTM, chưa tiến hành lập hồ sơ hoạt động sau ĐTM hoặc có những dự án thực hiện ĐTM cho có. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo ĐTM không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án....
   
  Theo đánh giá của các địa phương, nhiều quy định hiện hành còn bất cập, dẫn đến công tác ĐTM gặp khó khăn. Như theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định việc lập báo cáo ĐTM được phép tiến hành sau khi xin giấy phép xây dựng đã làm giảm nhiều ý nghĩa của ĐTM, hầu hết các dự án đều thực hiện ĐTM sau khi đã được cấp phép, chọn địa điểm thực hiện dự án nên ý nghĩa của việc xem xét tính phù hợp về môi trường của dự án để cho phép đầu tư hay không sẽ không còn.
   
   Ngoài ra, công tác tham vấn cộng đồng trong quá trình lập ĐTM còn mang tính hình thức. Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cần phải tạo hành lang pháp lý và điều kiện đầy đủ để các nhà khoa học, các tổ chức xã hội có thể tham gia hỗ trợ, tư vấn cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề môi trường và tranh chấp môi trường, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình để tránh tình trạng khi các dự án đi vào hoạt động phát sinh khiếu nại, bức xúc trong cộng đồng.
   
  Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để trình Chính phủ trong tháng 10. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này.
   
  Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định, đây là một bước hoàn thiện cơ bản các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để tăng cường pháp chế trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển.
   
Phương Anh