Hãy hành động vì một môi trường không rác
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/09/2014
(TN&MT) - Đó là chủ đề của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014 tại Việt Nam được Bộ TN&MT lựa chọn.
(TN&MT) - Đó là chủ đề của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014 tại Việt Nam được Bộ TN&MT lựa chọn, nhằm nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng sẽ tác động lên toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.
Thế giới đương đầu với rác
Thế giới đứng trước nguy cơ bị ngập ngụa vì rác thải. Bất chấp mọi nỗ lực về sinh thái, sản lượng chất thải toàn cầu đang tăng lên, theo kết quả một nghiên cứu gần đây nhất, lượng rác thải còn tiếp tục tăng, ít nhất đến năm 2075. Điều đặc biệt gây lo ngại là thành phần rác thải đang thay đổi, và nước càng giàu có thì rác thải càng độc hại.
Thu gom rác thải – hành động nhỏ cho 1 thay đổi lớn
Phải chăng trái đất này là một bãi rác khổng lồ? Rác thải nói chung là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc đặc biệt ở các đô thị và những địa phương đang đô thị hóa. Một người ở thành phố tạo ra lượng rác thải cao gấp hai đến gấp bốn lần so với người dân ở nông thôn trong khi đó sự đô thị hóa lại đang diễn ra rất mạnh mẽ. Năm 1900, người dân ở đô thị trên toàn thế giới mỗi ngày thải ra khoảng 300.000 tấn rác. Một trăm năm sau, con số này tăng gấp mười, lên 3 triệu tấn; đến năm 2025, con số này sẽ tăng tối thiểu gấp đôi, tức sáu triệu tấn mỗi ngày. Để vận chuyển khối rác thải hàng ngày, cần số xe ô tô chở rác xếp hàng dài khoảng 5.000 km. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu xu hướng này không thay đổi thì đến năm 2100, mỗi ngày thế giới lại có thêm 11 triệu tấn rác thải rắn.
Thế giới hiện có khoảng 2.000 cơ sở xử lý rác bằng cách thiêu đốt, trong đó có những cơ sở lớn nhất, mỗi ngày có thể thiêu hủy khoảng 5.000 tấn. Điều này không chỉ tốn kém mà khí thải từ những lò thiêu rác này còn ảnh hưởng xấu đến không khí, tro bụi của chúng ảnh hưởng xấu đến đất đai.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, hiện nay tác động của tình trạng rác thải đối với trái đất đã rất lớn. Hạn chế tăng trưởng dân số, cải thiện công tác quản lý nguồn tài nguyên ở các thành phố và tiến bộ công nghệ, thí dụ xử dụng chất liệu đóng gói nhẹ hơn, là những yếu tố có thể tạo nên một bước ngoặt đối với tình trạng này.
Nỗ lực của Việt Nam
Rác thải ở Việt Nam cũng đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cộng với sự lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, rác thải có số lượng ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khoẻ con người.
Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn tại Việt Nam ước tính có hơn 15 triệu tấn phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh mỗi năm khoảng 2,6 triệu tấn chiếm 17%. Trong đó, các chất thải nguy hại bao gồm cả chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy và chất độc hại phát sinh từ các quá trình sản xuất công nghiệp.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2014 vừa được thông qua sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2014 đã nhìn thấy được những bất cập trong vấn đề môi trường hiện nay. Vì vậy, một trong những điều sửa đổi trong bộ luật này là đã phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ TN&MT, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ NN và PTNT và các chính quyền địa phương ở các tỉnh, xã, đặc biệt là của người dân trong cộng đồng. Trong đó, Luật sửa đổi đã đưa ra những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác thải nguồn, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây sẽ là một trong những hướng đi mới để giải quyết vấn đề về rác.
Sống xanh cho Trái đất xanh
Sống xanh là một khái niệm tuy không quá mới mẻ nhưng có lẽ với nhiều người, nó cũng còn khá mơ hồ. Sống xanh là lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; hay nói cách khác, sống xanh giúp giảm thiểu sử dụng không khoa học nguồn tài nguyên của Trái Đất, không hi sinh hay ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ mai sau nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu hiện tại.
Để sống xanh phát huy hiệu quả tối đa, phải áp dụng triệt để trên tất cả các phương diện từ ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, làm việc, giải trí, làm đẹp… Sống xanh bằng cách thay đổi những thói quen thường ngày nói không với túi nilon; nói không với ống hút nhựa; chuyển sang sử dụng những vật dụng tái chế; những sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt là những dòng sản phẩm được sản xuất dựa trên tiêu chí sinh thái và hoàn toàn không áp dụng phương pháp thử nghiệm lên động vật sống.
Những hành động này nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng chắc chắn rằng, chúng góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ và cải thiện môi trường cũng như đời sống của mỗi con người. Đó chính là lý do vì sao, sống xanh đang dần trở thành xu hướng, đồng thời là phong cách sống mà giới trẻ nói riêng hay nói rộng hơn là những người yêu và có ý thức trách nhiệm với môi trường đang quyết tâm theo đuổi. Chỉ cần hành động nhỏ có ý thức là đã góp phần tạo dựng Trái đất thêm xanh hơn, sạch hơn!
Năm 2014, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động cấp quốc gia tại Thái Nguyên với các hoạt động chính là Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch, các hoạt động trồng cây, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, thăm quan mô hình và các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường… |
Phương Anh