Lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO của Cty TNHH Tân Thiên Phú: Lời giải cho việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/09/2014
(TN&MT) - Thu gom và xử lý rác thải, nhất là trong sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là bài toán nan giải với nhiều địa phương, trong đó có Nam Định.
(TN&MT) - Thu gom và xử lý rác thải, nhất là trong sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là bài toán nan giải với nhiều địa phương, trong đó có Nam Định. Theo tính toán, mỗi ngày tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực nông thôn trên địa bàn 168/204 xã thuộc tỉnh Nam Định phải thu gom khoảng hơn 400 tấn/ngày. Do đó, việc tìm ra một mô hình xử lý vấn đề này luôn là bài toán đặt ra cho lãnh đạo tỉnh, các địa phương ở Nam Định.
Mới đây, Công ty TNHH Tân Thiên Phú (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường) của Giám đốc Trần Kiều chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng (LOSIHO). Mô hình này được nhiều Bộ, ngành đánh giá cao và đang được sử dụng tại nhiều địa phương trên cả nước để giải quyết thực trạng rác thải nông thôn hiên nay.
Ông Trần Kiều - Giám đốc Cty TNHH Tân Thiên Phú (đứng giữa) được nhận Huy chương vàng sản phẩm lò đốt rác thải LOSIHO, tốp 10 vì thiên nhiên môi trường bền vững |
Kĩ sư (KS) Trần Kiều, Giám đốc Công ty Tân Thiên Phú cho biết, ban đầu khi thành lập công ty chủ yếu sản xuất các loại máy, thiết bị phục vụ, hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sau đó, khi chứng kiến việc ô nhiễm từ các nguồn rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Tiến và nhiều vùng nông thôn khác, ông đã nhen nhóm trong đầu ý tưởng chế tạo một công nghệ xử lý vấn đề này.
Cùng với quyết tâm, nỗ lực đó, năm 2012, Tân Thiên Phú đã nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm Máy nghiền rác thải Model VINATTP chuyên dụng tái tạo rác (các loại) thành nguyên liệu có ích, thiết thực bảo vệ môi trường. Theo đó, máy có thể nghiền, cắt được nhiều loại rác với những chất liệu như: Gỗ, thủy tinh, nhựa, hộp kim loại, săm lốp cao su, vải… Sau những thành công ban đầu, bằng phương pháp tổng hợp, KS Trần Kiều và các công nhân trẻ của Tân Thiên Phú đã tiếp tục phát huy niềm đam mê và tâm huyết nghiên cứu khoa học và đã chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng (LOSIHO).
Về khí thải, theo kết quả lấy mẫu phân tích của Sở TN&MT Nam Định và Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) thì khí phát thải từ lò Lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO cho thấy đều đảm bảo các chỉ tiêu của QCVN 30:2010. Với những ưu điểm nổi bật so với một số công nghệ khác, đặc biệt là kinh phí đầu tư, chi phí vận hành thấp, Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đầu tư công trình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn sử dụng lò đốt LOSIHO.
Về công nghệ, kết cấu Lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO bao gồm buồng sơ cấp và buồng thứ cấp. Buồng sơ cấp gồm không gian sấy, không gian cháy chính; buồng đốt thứ cấp gồm không gian cháy kiệt, khoang lưu khí, các chất đốt kiệt ngăn ngừa sự tái sinh của Dioxin, Furan. Lò đốt rác hoàn toàn sử dụng phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Việc kiểm soát và cung cấp Oxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc trên thân lò. Đặc biệt, lượng nhiệt duy trì trong quá trình cháy trong lò là do bản thân rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa các nhiệt bức xạ, nhiệt lượng trong quá trình phản ứng hóa học, phân hủy rác mà không cần bất kỳ nguồn năng lượng khác từ bên ngoài.
Theo đó, khi các cửa được điều chỉnh đóng mở phù hợp sẽ tạo thành sự đối lưu không khí với nhiệt độ bên trong lò. Nhiệt độ trong lò lên cao, khí oxy theo van được đưa vào trong lò nhằm duy trì nhiệt độ đốt cháy tự nhiên. Nhiệt độ buồng đốt sơ cấp dao động từ 4500C – 6500C để cháy kiệt các khí sau khi chưa cháy, sau đó các khí này sẽ được dẫn sang buồng đốt thứ cấp, cháy tiếp nhờ nhiệt lượng bức xạ từ tường lò và nguồn nhiệt tích lũy từ 6500C - 1.0000C. Với nhiệt độ này, mùi, khói khí độc hại sẽ bị phân hủy triệt để.
Sau khi qua buồng thứ cấp luồng khí thải có nhiệt độ cao sẽ đi qua một thiết bị trao đổi nhiệt kiểu ống chum nhằm giảm nhiệt độ trước khi được đưa vào thiết bị xử lý. Ra khỏi thiết bị trao đổi nhiệt khí thải tiếp tục đi vào tháp lọc bụi để xử lý bụi và một phần các khí độc hại. Sau đó, khí được đưa vào tháp hấp thụ để hấp thụ khí CO. Ở tháp này lượng khí độc và mùi được xử lý, cuối cùng lượng khí sạch ra khỏi tháp và thải ra ngoài môi trường.
Sau khi rác được đốt thành tro xỉ. Số tro xỉ này có thể sàng lọc để làm phân bón ruộng; phụ gia sản xuất vật liệu gạch không nung. Trường hợp không tái sử dụng thì thể tích tro xỉ để chôn lấp.
Kết cấu lò được xây dựng bằng gạch chịu lửa có hàm lượng cao nhôm cao, gạch cách nhiệt tiêu chuẩn, gạch dị hình, ximăng và bông gốm chịu nhiệt, và phụ gia; vỏ lò được thiết kết bởi inox, thép hình, tôn dày, sơn chịu nhiệt nhằm đảm bảo tính bền vững trong kết cấu; chịu được nhiệt độ lên đến 1.4500C.
Lò đốt rác thải LOSIHO đang được vận hành tại xã Xuân Tiến huyện Xuân Trường, Nam Định |
Công nghệ Lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO này có thể thay thế hoàn toàn phương pháp chôn lấp hoặc đốt lộ thiên; không phát sinh mùi và ô nhiễm nguồn nước ngầm do quá trình tích tụ rác như mô hình trước đây và góp phần xử lý tình trạng ùn ứ rác thải tại khu vực nông thôn. Thậm chí lò đốt có khả năng xử lý rác thải nhanh trong vòng 24h. Đặc biệt giá thành lò đốt chỉ bằng 1/3, 1/4 lò đốt nhập từ các nước; tức khoảng 650 - 750 triệu đồng và nhiều công nghệ được cải tiến hơn các mô hình lò trước đây.
Sau khi đăng ký quyền tác giả năm 2013, đến nay lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO đã được lắp đặt, đưa vào sử dụng tại nhiều địa phương tại tỉnh Nam Định như: Xã Xuân Tiến, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường; xã Hải Xuân, Hải Sơn, Hải Thanh, Hải Tây, huyện Hải Hậu và một số tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình… Cho đến nay, hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt đã được xử lý theo công nghệ này.
KS Trần Kiều cho biết, hiện Công ty đang thực hiện lắp đặt Lò đốt lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới, Công ty sẽ tập trung phối hợp với Sở KH – CN tỉnh Nam Định, sản xuất 5 lò để hoàn thiện kỹ thuật, nâng cao hiệu suất buồng đốt, kiểm nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật… theo quyết định của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Công ty mong muốn được lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình này rộng rãi hơn, nhằm xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn.
Với những nỗ lực sáng tạo, thiết kế, sản xuất, cung cấp cho thị trị trường nhiều loại máy tiện dụng, hỗ trợ đắc lực nông dân cũng như cho việc bảo vệ môi trường, những năm qua Tân Thiên Phú tự hào luôn đồng hành, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường, được nhận nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, năm 2011, Kỹ sư Trần Kiều - Giám đốc Công ty vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng "Giải thưởng Lương Định Của”; năm 2012 vừa qua được Bộ Khoa học - Công nghệ và Trung ương Đoàn trao giải "Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam”; được Bộ Khoa học và Công nghệ, trao tặng huy chương vàng “Đổi mới – Sáng tạo” năm 2014.
Sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO đã được bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm dịch vụ tiêu biểu vì thiên nhiên môi trường bền vững do Ban tổ chức Chương trình công nghệ xanh Quốc gia chứng nhận.
Tiến Dũng – Trường Giang