GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: “Cần có các trung tâm xử lý rác thải liên vùng”
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/08/2014
(TN&MT) - Đó là quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo TN&MT.
(TN&MT) - Đó là quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp (ĐT&KCN) Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh câu chuyện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các đô thị trên cả nước.
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam
PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong các đô thị hiện nay
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: Tôi cho rằng tại hầu hết các đô thị lớn thì công tác thu gom rác thải hiện đang thực hiện tốt. Tuy nhiên công tác vận chuyển và xử lý rác thải hiện nay chưa được triệt để. Dù đã có đầu tư nhưng quy mô, công suất cũng như sự hoàn thiện công nghệ chưa được bảo đảm nên chưa xử lý hết được lượng rác ở trong các đô thị nói chung.
Năng lực của các đơn vị thu gom cũng cần được tổ chức lại. Làm sao để ngày nào làm dứt điểm ngày đó, thu gom xong vận chuyển chở đi luôn, không để rác thải tồn đọng trên phố. Muốn việc thu gom vận chuyển ở các đô thị không trở thành vấn đề nhức nhối thì phải tổ chức lại sản xuất, đầu tư nguồn lực, con người và trang thiết bị.
Thứ hai là các công nghệ tiên tiến đã được áp dụng nhưng chưa định hình rõ công nghệ nào phù hợp với vùng miền nào. Mặc dù Hiệp hội Môi trường ĐT&KCN Việt Nam đã có nhiều hội thảo về vấn đề này theo chủ trương xã hội hóa nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, rất nhiều đô thị vẫn áp dụng hình thức chôn lấp là chính.
PV: Vậy theo ông, muốn hạn chế chôn lấp thì phải làm như thế nào?
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: Tôi cho rằng muốn hạn chế chôn lấp phải có công nghệ thay thế phù hợp. Hiện nay ở nhiều địa phương vẫn thực hiện việc xử lý rác thải bằng chôn lấp, thậm chí nhiều nơi còn không thực hiện việc chôn lấp hợp vệ sinh mà cứ đổ tự nhiên ra môi trường. Đặc biệt các đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long hiện đang chủ yếu chôn lấp tự nhiên, khu vực này cũng cần có công nghệ xử lý quy mô lớn.
Để hạn chế chôn lấp, tôi nghĩ chúng ta phải khuyến khích việc đầu tư vào công nghệ thu gom, xử lý rác thải. Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư là tư nhân kể cả trong nước và nước ngoài mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý rác thải. Tuy rằng quy mô của các mô hình này lớn, mới chỉ áp dụng cho các thị xã thị trấn, nhưng đã đem lại hiệu quả khả quan. Các mô hình này cũng đang hoàn thiện thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Để nhân rộng các mô hình này vẫn còn vướng nhiều vấn đề nhất là cơ chế, chính sách.
Đặc biệt theo tôi, chúng ta cần có các Trung tâm xử lý rác thải quy mô lớn cỡ liên vùng, liên đô thị để có thể giải quyết vấn đề rác thải.
PV: Ông có đề cập đến công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải, hiện điều này chưa được các đô thị ở nước ta áp dụng nhiều. Liệu vấn đề có phải do cơ chế, chính sách?
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: Đúng như vậy. Có thể nói công nghệ xử lý rác thải tiên tiến vẫn chưa đi vào thực tiễn một cách rộng rãi. Ngay cả các đô thị lớn như Cần Thơ, Hậu Giang vẫn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ. Vấn đề quan trọng là lựa chọn công nghệ như thế nào.
Dễ nhận thấy là hiện nay hầu hết các đô thị ở nước ta xử lý rác vẫn theo công nghệ đốt. Công nghệ đốt lớn để phát điện thì chưa làm được nhưng công nghệ nhỏ hơn thì đã có. Còn những công nghệ khác như: Xử lý rác thành phân vi sinh, xử lý túi nilon thành hạt nhựa, tận dụng rác thải làm viên đốt… vẫn trong quá trình mò mẫm chứ chưa phát triển với quy mô lớn được.
Tuy nhiên, ở Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hà Nam… đã có những công nghệ xử lý tiên tiến đạt hiệu quả cao. Để nhân rộng các mô hình tiên tiến còn nhiều vấn đề nhất là cơ chế, chính sách… thì mới thu hút được đầu tư. Chính quyền các cấp phải tạo điều kiện cụ thể để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này có thể nhìn thấy hiệu quả thiết thực.
PV: Theo ông, kinh nghiệm nào trên Thế giới có thể áp dụng vào Việt Nam?
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: Đó là quy trình phân loại xử lý rác thải tại nguồn. Quy trình này phải được tổ chức và xuất phát từ ý thức của người dân. Mỗi nhà dân đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ riêng biệt. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng…
Nói tóm lại tôi cho rằng, muốn làm được như vậy phải có sự đồng thuận trong ý thức của người dân. Ngoài ra cũng phải đi dồng bộ với việc thu gom xử lý chứ nếu không đi ra khỏi nhà của dân lại sát nhập rác làm một thì không giải quyết được gì hết. Đó chính là câu chuyện phân loại rác tại nguồn.
Ở các nước, người dân rất ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn. Nhân viên thu gom chỉ cần nhìn màu thì đã biết túi đó đựng loại rác gì để đưa đến nơi xử lý phù hợp. Làm được điều này thì khu vực xử lý chỉ cần gọn nhẹ đã đảm bảo được công việc cần làm.
PV: Đã có những đô thị ở nước ta áp dụng việc này, vậy vì sao phân loại rác tại nguồn chưa phát triển và cần điều kiện gì để chương trình này đạt hiệu quả thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên: Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam hiện vẫn đang chỉ là khẩu hiệu. Hà Nội, TP.HCM và Long An đã làm thí điểm ở một số quận huyện song việc nhân rộng ra thì không thực hiện được.
Một vấn đề rất quan trọng đó là không chỉ dựa vào ý thức của người dân là có thể thực hiện được phân loại rác tại nguồn. Tôi cho rằng khi ý thức người dân chưa đảm bảo thì chính quyền địa phương phải kết hợp vận động tuyên truyền cộng với các chính sách phù hợp khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng tham gia thì mới đảm bảo phân loại rác tại nguồn.
PV:Trân trọng cám ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)