Khánh Hòa: Lờ dây tận diệt trên đầm Thủy Triều

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/08/2014

(TN&MT) - Đánh bắt bằng lờ dây đã hủy hoại nặng nề nguồn lợi thủy sản trên đầm Thủy Triều, bởi lượng cá nhỏ khai thác bởi hình thức này chiếm đến 70%.
   
(TN&MT) - Đã nửa năm từ khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định về việc ban hành quy định quản ly‎ hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó cấm hoạt động nghề lờ dây tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và các đầm Nha Phu, Thủy Triều cũng như các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch; hiện tại tình trạng đánh bắt thủy sản bằng phương thức này vẫn rất rầm rộ và chưa hề thuyên giảm. Đặc biệt trên đầm Thủy Triều luôn có hàng trăm ngư dân vẫn ngang nhiên hoạt động nghề này.
   
   
Một chuyến ra đầm
   
  Thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) một mặt tiếp giáp hoàn toàn với đầm Thủy Triều, là nơi có số phương tiện đánh bắt thủy sản bằng lờ dây lớn nhất ở Khánh Hòa từ trước đến nay. Dù nơi đây, nghề này đã bị cấm hoạt động từ 6 tháng nay, nhưng khi chúng tôi đến, vẫn dễ dàng bắt gặp từng đống lờ dây chất hai bên con đường chạy dọc theo bờ đầm; hàng chục chiếc ghe nép mình bên bờ đầm cũng chất đầy loại ngư cụ này.
   
  Tầm 4 giờ chiều, những chiếc ghe nói trên đồng loạt nổ máy, mỗi chiếc chở 2 người cùng ngư cụ tỏa ra các phía. Vợ chồng anh Tèo ở thị Trấn Cam Đức cũng vội vã chạy xe máy đến, hối thúc chúng tôi cùng leo lên chiếc ghe 9CV của mình đã chất đầy lờ dây và neo sẵn bên bờ đầm. “Hôm nay trời mưa, chắc sẽ trúng đấy. Nhưng mà cũng sẽ có đông người đánh bắt hơn nên chúng ta phải nhanh hơn mới được” - anh Tèo nói, rồi tăng ga chạy ghe về hướng Bắc đầm Thủy Triều. Chạy được chừng 1km, anh Tèo bắt đầu cho ghe chạy chậm lại và bảo vợ buông lờ dây xuống nước. Theo anh Tèo, ở khu vực đầm Thủy Triều có hàng trăm chiếc ghe hành nghề lờ dây đã gần chục năm, trong đó khoảng gần 100 chiếc ở xã Cam Hải Đông, số còn lại đến từ thị trấn Cam Đức và xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm). 5 anh em nhà anh (4 người ở thôn Thủy Triều) hiện tại cũng đang sống nhờ vào cái nghề này. Ngoài ghe máy công suất dưới 20CV hay ghe chèo, bình quân mỗi ngư dân làm nghề này có từ 100 – 500 dây lờ.  “Người ta có ghe lớn thì đầu tư 300 – 500 dây lờ. Ghe nhà tôi nhỏ, chỉ đủ sức chở 100 dây. Vậy nhưng chừng đó cũng đủ giúp gia đình tôi kiếm sống từ 6 năm nay”, vợ anh Tèo cho biết.
   
   
  Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, khi vợ anh Tèo đã thả xong 100 dây lờ xuống đáy đầm Thủy Triều, với chiều dài khoảng 700m, chúng tôi quay về điểm xuất phát. Lúc này trên mặt đầm đã xuất hiện chi chít những phao xốp lớn. Đó là dấu hiệu để các ngư dân dễ dàng thu đúng dây lờ của mình để thu “chiến lợi phẩm” trong đêm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy khá nhiều lờ dây được giăng dọc khu vực nước nông trong đầm.
   
  3 giờ sáng, chúng tôi tiếp tục theo chân vợ chồng anh Tèo  ra đầm để “thu hoạch”. Lúc này, tiếng ghe máy cũng đồng loạt vang lên như xé tan bóng đêm trên mặt đầm. Anh Tèo vừa hướng ghe theo hành trình cũ, vừa rọi đèn pin trên mặt nước để tìm kiếm những cái phao làm dấu cho những dây lờ của mình. Khi đã xác định đúng, anh tắt máy ghe và lần lượt kéo những dây lờ lên để trút cá, tôm, cua, ghẹ cũng như tất tật những loại thủy sản khác  vào xô. Tuy nhiên, không như nhận định ban đầu của anh Tèo, chuyến “ăn đêm” này của vợ chồng anh cũng chỉ thu được khoảng gần 2kg tôm đất cỡ to hơn đầu đũa, nửa kg ghẹ cùng khoảng 2 kg cá tạp nhỏ xíu.
   
  Gần 4 giờ sáng, tiếng ghe máy trên đầm thưa dần, thay vào đó là loạn xạ ánh đèn pin phát ra từ hàng trăm chiếc ghe trong khu vực. Cũng như vợ chồng anh Tèo, họ cũng đang khẩn trương kéo lờ thu thủy sản để kịp phiên chợ sáng ngay trước thôn Thủy Triều.
   
   
Phớt lờ lệnh cấm
   
  Theo những ngư dân hành nghề lờ dây nơi đây, dụng cụ mà họ đang sử dụng để khai thác thủy sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi dây lờ dài 7m, với 29 ô cửa cho các loài thủy sản chui vào; hiện tại có giá trên dưới 270.000 đồng. Anh Tèo chia sẻ: “Chúng tôi đã được xã mời lên tuyên truyền, vận động bỏ nghề lờ dây hay chuyển đổi nghề khác. Nhưng ngoài nghề này, vợ chồng tôi không biết làm gì để sinh sống. Giờ đã có quá nhiều người làm khiến nguồn lợi thủy sản trong đầm bị cạn kiệt.
   
  Hiện tại, mỗi chuyến bán được vài trăm nghìn là đã may mắn rồi”. Anh Nguyễn Hùng Sơn (tổ dân phố Bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức) cũng cho biết: “4 năm trước, hai anh em tôi đầu tư 300 dây lờ và đánh bắt ở đầm Thủy Triều từ đó đến nay. Dù thu nhập không cao lắm nhưng cũng kiếm ăn được. Chúng tôi biết đánh bắt bằng kiểu này đã bị cấm, nhưng thấy người ta vẫn làm nên anh em tôi cũng làm đại, chừng nào họ cơ quan chức năng cấm triệt hết thì chúng tôi cũng nghỉ”.
   
  Lờ dây có mắt lưới rất nhỏ và chỉ đánh bắt ven bờ dẫn đến nguy cơ cao làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Những người làm nghề này mà chúng tôi tiếp xúc cũng biết việc UBND tỉnh đã có lệnh cấm đánh bắt bằng hình thức này ở những khu vực cụ thể, trong đó có đầm Thủy Triều. Tuy nhiên theo chúng tôi được biết, hiện tại vẫn chưa có ngư dân nào bỏ nghề hay bị xử ly về hành vi đánh bắt thủy sản phép này.
   
   
Cần sớm xóa bỏ
   
  Theo bà Trần Mai Thị Kim Hòa – Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, tình trạng người dân sử dụng lờ dây để khai thác thủy sản trên đầm Thủy Triều đã diễn ra nhiều năm nay. Ban đầu chỉ một số ít, nhưng càng về sau thấy nghề này cho thu nhập cao nên nhiều hộ đua nhau làm,  khiến nguồn lợi thủy sản trên đầm ngày càng cạn kiệt. Dù địa phương đã tích cực tuyên truyền về tác hại của lờ dây và vận động người dân không khai thác thủy sản theo cách tận diệt này nhưng vì cái lợi trước mắt nên chẳng có ai bỏ cái nghề này. Hiện toàn xã có 79 hộ chuyên thả lờ dây ở đầm Thủy Triều. “Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Thủy Triều, UBND xã quyết tâm đến tháng 9 tới sẽ xóa bỏ toàn bộ lờ dây; không để bất cứ hộ nào làm nghề này nữa. Hiện chúng tôi đang tích cực vận động người dân tự bỏ nghề. Đối với những hộ không chấp hành, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng có biện pháp mạnh để buộc họ chấm dứt hoạt động . Những hộ tự nguyện bỏ nghề lờ dây, UBND xã sẽ ưu tiên hỗ trợ để họ chuyển đổi mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương hoặc trồng rong sụn trên đầm Thủy Triều”, bà Hòa nói.
   
  Theo đánh giá của ngành chức năng, đánh bắt bằng lờ dây đã hủy hoại nặng nề nguồn lợi thủy sản trên đầm Thủy Triều, bởi lượng cá nhỏ khai thác bởi hình thức này chiếm đến 70%. Do vậy, ngay từ năm 2008, UBND huyện Cam Lâm đã tăng cường quản lý việc khai thác, đánh bắt thủy sản trong đầm Thủy Triều. Trong đó nghiêm cấm việc sử dụng lờ dây và các loại ngư cụ mà nhà nước cấm để khai thác thủy sản trong đầm. Tuy nhiên theo ông Bùi Quang Nam – Phó Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Cam Lâm,  hiện tại trên địa bàn vẫn còn hơn 200 phương tiện (chủ yếu ở thị trấn Cam Đức và xã Cam Hải Đông) trong tổng số 561 tàu thuyền của toàn huyện hoạt động nghề lờ dây.
   
   
  Ông Lê Văn Dũng – Chánh Thanh tra Sở NN&PTNN Khánh Hòa cũng cho biết: “Ngày 10-2-2014, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 05 về việc ban hành quy định quản ly‎ hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó cấm hoạt động nghề lờ dây tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và các đầm Nha Phu, Thủy Triều cũng như các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch. Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng khác tăng cường tuyên truyền vận động bà con chấm dứt hoạt động nghề lờ dây. Tiếp đó chúng tôi sẽ tiến hành tuần tra truy quét và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”. 
   
  Bài & ảnh: Thanh Nam