Hà Tĩnh: Ô nhiễm kinh hoàng từ bãi rác Phượng Thành
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/08/2014
(TN&MT) - Thực trạng rất phổ biến này đang xảy ra tại thôn Đông Xá, xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ(Hà Tĩnh), khi mà mọi hoạt động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi...
(TN&MT) - “Người dân chúng tôi phải sống trong cảnh bị tra tấn từ bãi rác hơn mười năm qua. Đi ngủ không chịu được mùi hôi thối phải đeo khẩu trang, đến bữa ăn phải ngồi trên dường mắc màn tránh ruồi nhặng bủa vây. Không những vậy, nguồn nước sinh hoạt cũng đang bị đe dọa lây nhiễm từ bãi tập kết rác thải”. Ông Lê Văn Quản- Trưởng thôn Đông Xá, xã Đức Hòa bức xúc nói.
Người dân phải đeo khẩu trang đi ngủ, mắc màn ăn cơm...
Thực trạng rất phổ biến này đang xảy ra tại thôn Đông Xá, xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ(Hà Tĩnh), khi mà mọi hoạt động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bãi rác thải. Theo phản ánh của người dân, hàng ngày, nhất là vào buổi trưa những ngày trời oi bức hay những lúc gió thổi mạnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ bãi rác Phượng Thành lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Nhiều gia đình ở cách xa hàng trăm mét cũng ngửi thấy mùi xú uế. Những hộ ở gần bãi rác càng khổ hơn, suốt ngày phải đeo khẩu trang. Nguồn nước giếng của các gia đình bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng được, buộc người dân phải mua nước đóng bình về sử dụng. Mỗi khi đến bữa ăn, người dân phải mắc màn để tránh ruồi, nhặng từ bãi rác bay vào.
Rác thải bay vào vương vãi khắp vườn nhà dân
Bãi rác Phượng Thành nằm ở thôn Đông Xá, xã Đức Hòa và tiếp giáp với 2 xã Tùng Ảnh và Đức Long của huyện Đức Thọ, diện tích khoảng 3 hét ta. Năm 2000, UBND huyện Đức Thọ đã đồng ý quy hoạch địa điểm này làm bãi xử lý rác thãi cho thị trấn, Hợp tác xã môi trường thị trấn Đức Thọ(HTX) là đơn vị trực tiếp quản lý. Trước đó, bãi rác Phượng Thành chỉ chiếm một khu vực nhỏ, nhưng đến nay, bãi rác lan rộng, kéo dài cả cây số trở thành điểm tập kết rác thải của 22 xã và thị trấn. Ðiều đáng lo ngại là tại đây không chỉ có rác thải sinh hoạt thông thường mà xác động vật chết, thậm chí còn có cả rác thải y tế chưa qua xử lý cũng đem tới đổ bừa bãi.
Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Phượng Thành, xã Đức Long bức xúc:“Gia đình tôi ở đây từ năm 1980, vào năm 2000 huyện quy hoạch bãi rác Phượng Thành chỉ các nhà tôi 150 m. Từ khi có bãi rác đã làm cho cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, mỗi khi đi làm về tới nhà phải đeo khẩu trang hoặc đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi thối từ bãi rác bay vào. Đến bữa ăn cũng không yên, lúc nào cũng phải mắc màn mỗi khi ăn cơm để tránh ruồi nhặng từ bãi rác tấn công”.
Có mặt ở thôn Đông Xá vào trưa ngày 12/8, trời nắng như đổ lửa, tại bãi rác Phượng Thành vẫn nghi ngút khói do nhân viên của HTX môi trường Đức Thọ đang xử lý rác thải thủ công bằng biện pháp đốt nhấm. Đứng cách bãi rác chừng 150m, nơi có các hộ dân sinh sống cũng bị khói bủa vây và kéo theo mùi hôi thối rất khó chịu. Quan sát quanh khu vực bãi rác, dù đã có khuôn viên nhưng rác vẫn đổ tràn lan khắp mặt đường tỉnh lộ 28(nối từ quốc lộ 8A đi xã Tân Hương). Người dân nơi đây còn cho biết, trong suốt hơn mười năm qua phải sống chung với mùi hôi thối, khói đốt rác như vậy. Sau mỗi mùa mưa, ruồi, muỗi, nhặng, mùi ố bẩn càng nghiêm trọng hơn. Một số hộ đã không còn giải pháp nào khác phải đóng cửa nhà đi sơ tán để tránh ruồi, muỗi tấn công.
Theo ông Lê Văn Quản- Trưởng thôn Đông Xá, xã Đức Hòa cho biết: “Mỗi ngày có hàng trăm xe vào đây đổ rác, xe chạy 4h sáng đến 22h đêm giống như công trường khiến cho bãi rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Dân chúng tôi phản ứng rất quyết liệt nhưng họ vẫn đổ, rác đốt cháy cả ngày và đêm, phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng không có phản hồi, không có giải pháp khắc phục nào cả”.
Điều đáng lo ngại nữa, bãi rác Phượng Thành nằm đầu nguồn nước của 20 hộ dân thôn Đông Xá, xã Đức Hòa, cứ mỗi khi đến mùa mưa nước tràn và ngấm xuống giếng nước sinh hoạt. Chúng tôi đã bất lực, phản ánh nhiều nhưng không có cơ quan chức nào quan tâm cả. Từ ngày tôi mắc bệnh viêm vòm cổ mấy nắm lại đây gia đình chúng tôi không dùng nước giếng nhà mà phải sang nhà hàng xóm xa hơn để xin nước về sinh hoạt- Bà Lê Thị Lài, thôn Đông Xá, xã Đức Hòa buồn bực.
Những hộ dân ở đây cho biết thêm, không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn thường mắc các chứng bệnh về mũi, mắt, bệnh ngoài da và nhiều chứng bệnh lạ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ thường bị mẫn ngứa do ruồi muối đốt.
“Phải sớm di dời bãi rác”
Đó là lời Ông Phạm Đình Thức, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa bày tỏ lo lắng và cho ý kiến không nên quy hoạch tập kết rác ở đây vì nó nằm trên nguồn nước của dân, khi trời mưa nước sẽ tràn ra và ngấm xuống giếng nhứng hộ dân tại thôn Đông Xá. Ông Thức cho biết thêm:“ Bãi rác nằm gần nhà của 20 hộ dân xã Đức Hòa và 3 hộ dân xã Đức Long, ở bãi rác lửa đốt thường xuyên gây nên khói bụi, mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Chính quyền đã có phản ánh lên các cấp và huyện cũng trả lời sẽ di dời nhưng lại không nói là khi nào di dời bãi rác”.
Ruồi nhặng bủa vây
Được biết, quy hoạch ban đầu của bãi rác tạm nói trên sẽ được thực hiện bằng phương án san lấp. Tuy nhiên, từ khi hình thành bãi rác đến nay, HTX môi trường thị trấn Đức Thọ triển khai đốt, khiến cho khói bụi bủ vây nhà dân. Chỉ tính riêng thị trấn Đức Thọ mỗi ngày có gần 20 tấn rác được đổ về đây, bãi rác này luôn được đốt cháy cả ngày lẫn đêm, đó chưa kể lượng rác của 21 xa trên toàn huyện vô tư tập kết. Lửa đốt tại đây gây ra khói bụi phát tán trên diện rộng khiến cho đời sống người dân ở các trục đường, thôn xóm vùng lân cận bị đảo lộn.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Phạm Quang Thạnh- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, được biết: “Bãi rác huyện giao cho HTX môi trường thị trấn Đức Thọ quản lý, khói bụi là do xử lý đốt thủ công nên gây ô nhiễm. Huyện đã có quy hoạch xây dựng bãi rác chung cho toàn huyện tại địa điểm khác nhưng do chưa có kinh phí, trước mắt sẽ hỗ trở kinh phí san lấp tại địa điểm cũ”. Mặc dù bãi rác Phượng Thành đã hoạt động hơn 10 năm nay nhưng khi được hỏi về mức độ ô nhiễm khu dân cư gần bãi rác, ông Thạnh thẳng thắn trả lời không xác định được vì chưa có đánh gia tác động môi trường ở khu vực này ?!”.
Người dân xã Đức Hòa kiến nghị cần di dời bãi rác này ra xa khu dân cư để bảo đảm môi trường sống, tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa quan tâm giải quyết. Trong khi đó, hằng ngày họ vẫn sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng, nhiều gia đình vẫn mắc màn ăn cơm để tránh ruồi, nhặng và bịt khẩu trang mỗi khi về nhà.
Bài và ảnh: Đức Cảnh-Hồng Thiệu