Hà Tĩnh: “Bức tử” môi trường tại các trang trại chăn nuôi
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 02/08/2014
(TN&MT) - Xả nước thải, phế thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động hiện nay tại các khu vực trang trại chăn nuôi lợn tập trung.
(TN&MT) - Xả nước thải, phế thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động hiện nay tại các khu vực trang trại chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, thì việc ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước còn lộ rõ nhiều hạn chế đang là nguyên nhân “chủ lực” tác động xấu đến môi trường sống hiện nay, điều này có thể thấy rõ nhất ở khu vực nông thôn những nơi có trang trại chăn nuôi lợn tập trung.
Trang trại ngang nhiên xả thải
Những năm gần đây, phát tr chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng quy mô theo hướng trang trại, tập trung sản xuất hàng hóa. Thế nhưng, việc quy hoạch chăn nuôi chưa cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi, lò mổ còn nằm lẫn trong khu vực dân cư, trên đất vườn nhà... làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, con người luôn rình rập, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Ngang nhiên xả thải chăn nuôi ra môi trường
Theo báo cáo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh: Tính đến tháng 6/2014, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 9 mô hình trang trại chăn nuôi lợn đạt quy hoạch và được các cấp tỉnh phê duyệt tác động môi trường. Trong khi đó có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ như hộ cá nhân, hộ gia đình việc đảm bảo về tác động môi trường chưa được quan tâm, công tác quản lý của địa phương còn xem nhẹ và chưa có quy hoạch cụ thể.
Thạch Hà là huyện đang có xu hướng đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, hiện có 10 trang trại chăn nuôi, trong đó Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco( thuộc Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh) là đơn vị được tỉnh đánh giá đạt quy hoạch. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết nhiều năm qua đơn vị này đã xả thải trực tiếp ra cánh đồng Lạch Lối tại thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại hơn 4 héc ta lúa của người dân. Ông Lê Văn Hộ- Trưởng thôn Vĩnh Cát cho biết: “Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco mấy năm nay xả thải theo hệ thống mương thủy lợi của xã, gây ảnh hưởng đến năng suất sản xuất lúa và ô nhiễm môi trường. Mặc dù công ty có đền bù thiệt hại cho người dân theo mùa vụ nhưng việc xả thải gây ra mùi hôi thối và ảnh hưởng đến môi trường đang khiến người dân địa phương chúng tôi hết sức bức xúc”.
Theo phản ánh của người dân trang trại chăn nuôi lợn của công ty Mitraco hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống mương thoát nước thủy lợi, gây ô nhiễm nước sinh hoạt. Người dân thường xuyên mắc phải các triệu chứng bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa mà nguyên nhân được xác định do ô nhiễm nguồn nước.
Thực trạng này cũng được chính ông Lê Văn Nhị-Giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh(một chủ trang trại lớn) thừa nhận: “Chăn nuôi quy mô trang trại thì không thể tránh khỏi tác động của chất thải đến môi trường”. Lý giải về thực trạng người dân phản ảnh ông Nhị cho rằng do người dân khi lấy nước thải bón cho lúa lại quá mức nên đã gây ảnh hưởng đến lúa, để chất thải tràn ra quá nhiều làm cho môi trường bị ô nhiễm.
Ô nhiễm nặng tại một trang trại chăn nuôi ở xã Hương Mĩnh, huyện Vũ Quang
Tương tự tình trạng trên đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhất ở các vùng nông thôn. Tại huyện Cẩm Xuyên, hằng trăm hộ dân ở thôn Kênh, thôn Đồng Bàu của xã Cẩm Thành và thôn 13 thuộc xã Cẩm Duệ, 6 trại lợn tập trung đang trực tiếp xả nước thải ra sông Ngàn Mọ gây ô nhiễm nặng. Người dân gần khu vực trang trại đang sống chung với mùi hôi thối, môi trường gần như bị “bức tử”. Đáng nói là có những trang trại lợn này lại nằm sát Trường THCS Đại Thành, xã Cẩm Thành những năm qua chất thải và mùi hôi từ trang trại chăn nuôi hành hạ giao viên và học sinh trường này nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Chung hoàn cảnh, tại xóm Bắc Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh thời gian qua một số trang trai trên địa bàn không đạt chuẩn về hệ thống xử lý chất thải vẫn hoạt động, xả thải tràn lan ra ngoài tự nhiên gây ô nhiễm trên diện tích rộng, đặc biệt khi trời mưa chất thải chảy khắp khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Được biết, người dân đã phản ánh và có kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đến nay các trang trại vẫn ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường mà chưa có cơ quan nào xử lý.
Công tác quản lý lộ rõ nhiều hạn chế
Tình trạng xả nước thải, phế thải chưa được xử lý gây ô nhiễm chủ yếu từ các trang trại với quy mô nhỏ, tại địa phương tồn tại nhiều cơ sở chăn nuôi với các quy mô khác nhau. Chính quyền sở tại một số nơi nể nang, làm ngơ nên trang trại chăn nuôi mặc nhiên xả thải ra môi trường mà không bị nhắc nhở, xử lý bất chấp việc các đơn vị cá nhân này đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến có phần thiếu sót trông công tác quản lý được những người đảm đương nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên phương diện quản lý nhà nước tại địa phương thừa nhận.
Bà Lê Thị Hà - Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà cho rằng: “Phòng chỉ quản lý những hộ cá nhân còn các trang trại có quy mô lớn do tỉnh quản lý. Hiện nay, chính những trang trại tập trung có quy mô lớn đang là vấn đề nhức nhối tại địa phương về môi trường nhưng chúng tôi chỉ được tham gia khi tỉnh có kế hoạch kiểm tra. Vấn đề tác động môi trường ở những trang trại có quy mô lớn là do Sở TNMT quản lý nên có những cái khó trong xử lý của cấp huyện”.
Trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh- ông Võ Tá Đinh lại cho rằng: “Ô nhiễm chủ yếu là từ các hộ chăn nuôi nhỏ, hộ cá nhân. Mặc dù nhiều hộ đã xây hầm khí biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không xuể”. Mặt khác, chính ý thức chấp hành luật pháp bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, khi phát hiện đơn vị sai phạm chính quyền địa phương chưa chủ động có thông báo kịp thời để xử lý, nếu có phản ánh chúng tôi sẽ vào cuộc kiểm tra xử lý ngay- Ông Võ Tá Đinh cho biết.
Từ thực tế tại địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn; tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vấn đề này chủ yếu đang dựa trên lý thuyết, thiếu thực tế, mặc dù thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng đến nay công tác này vẫn còn lộ rõ nhiều hạn chế, các cơ quan chức năng quản lý tiếp tục “đá bóng trách nhiệm” mà chưa có giải pháp quản lý hiệu quả.
Ông Đặng Bá Lục- Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết thêm: “Để xác định được các trang trại có đạt chuẩn về bảo vệ môi trường hay chưa là rất khó, các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ là do huyện quản lý, tỉnh quản lý những trang trại có quy mô lớn và đã được các cấp phê duyệt. Trong thời gian tới việc xây dựng chuồng trại phải theo đúng quy định, cách biệt khu dân cư, quy hoạch phát triển chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, xây dựng công trình khí sinh học”.
Rõ ràng ngành chăn nuôi bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, việc ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước còn lộ rõ nhiều hạn chế. Những tồn tại này cần sớm phải khắc phục nếu không sẽ là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong xu hướng phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Đ.Cảnh – H.Thiệu - X.Mỹ