Làng nghề mây tre đan Phú Vinh “hấp hối” vì môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/07/2014

(TN&MT) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường.
    
(TN&MT) - Nhắc tới những làng nghề xuất khẩu ở Hà Nội, không thể bỏ qua làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường.
    
Nghề truyền thống dần mai một
    
   Chúng tôi có mặt tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong cái nắng của những ngày cuối hè. Khác hẳn với tưởng tượng của tôi về một làng nghề sầm uất, từng được mệnh danh là “làng tỉ phú” với hơn 400 năm tuổi nghề. Phú Vinh ngày nay không còn tha thiết với nghề truyền thống mà cha ông để lại mà có xu hướng đi xuống. Các hộ gia đình sản xuất mây tre đan cũng chỉ còn lác đác, mà nhân lực chủ yếu là người già và phụ nữ.
    
   
Một gia đình gắn bó với nghề truyền thống của địa phương từ nhiều năm nay
    
   Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, trước năm 2010 có khoảng 7.800 nhân khẩu sinh sống bằng nghề mây tre, chiếm 90% số hộ trong xã. Ông Vương Văn Cẩn – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: vào “thời hoàng kim”,  Phú Vinh có tới 27 công ty đầu tư, ký kết hợp đồng xuât khẩu cho gần 50 nước như: Mỹ, Đức, Đài Loan... và  mức thu nhập cũng đạt tới 100-150 nghìn đồng/ người/ ngày. Thế nhưng đến nay, toàn xã chỉ còn 7 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Mức thu nhập bình quân của lao động cũng chỉ đạt 40 - 70 nghìn đồng/ người/ ngày.
    
   Nguyên nhân chính dẫn đến việc ít người dân theo đuổi nghề truyền thống là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, sản phẩm đầu ra bị cạnh tranh về giá và chất lượng dẫn tới khó bán. Lấy dẫn chứng đơn giản nhất là giá cây mây trước đây chỉ khoảng 4.000 đồng/1kg, thì nay đã tăng lên 12.000 đồng/1kg, trong khi đó giá thành sản phẩm trung bình chỉ tăng hơn trước xấp xỉ 20.000 đồng/ sản phẩm, mà một lao động thành thạo cũng chỉ có thể sản xuất được 2 – 3 sản phẩm(lớn)/ngày.
    
    
Mối đe dọa “tiềm tàng”
    
   Cũng giống 1.350 làng nghề truyền thống khác trên địa bàn Hà Nội, Phú Vinh cũng đang phải đối mặt với những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Song, không những làng nghề truyền thống khác, ô nhiễm do hoạt động sản xuất mây tre đan không dễ nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
    
   
Phế liệu bị vứt bừa bãi sau quá trình sản xuất
    
   Ông Nguyễn Văn Thọ - một trong những lao động đã gắn bó với nghề mây tre đan từ nhỏ chia sẻ: Mặc dù muốn níu giữ nghề truyền thống của địa phương nhưng giờ thanh niên đi làm ở công ty cũng là điều tốt, bởi thu nhập cao hơn và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Ông cho biết, việc xử lý nguyên liệu mây tre đan như sấy, tẩy chủ yếu do người già làm vì lưu huỳnh với các hóa chất để rất ảnh hưởng tới sức khỏe.
    
   Thực tế, trong quá trình sản xuất mặt hàng mây tre đan có sử dụng rất nhiều hóa chất như lưu huỳnh, sút, dung dịch mạ, sơn màu... rất độc hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và gây viêm đường hô hấp, dị ứng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa. Hơn thế nữa, trên địa bàn xã cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hóa chất vẫn được xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước của địa phương. Nói về vấn đề này, ông Vương Văn Cẩn cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đã được địa phương quan tâm, tuy nhiên, hoạt động sản xuất của làng nghề chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, chưa có cơ sở tập trung nên cũng rất khó cho việc xử lý nước thải và không khí.
    
   
Nước thải từ quá trình sản xuất vẫn được thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý
    
   Ông Nguyễn Văn Trung - nghệ nhân đã gắn bó với nghề mây tre đan gần 50 năm và hiện là giám đốc công ty mỹ nghệ Hoa Sơn, hội trưởng hội nghệ nhân Phú Vinh trăn trở: Hiện nay mặt hàng xuất khẩu của địa phương đang bị chèn ép bởi sản phẩm của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... chủ yếu là vì chất lượng sản phẩm và độ thân thiện với môi trường chưa cao. Công nghệ của địa phương còn lạc hậu, lại sử dụng nhiều loại hóa chất mà thị trường quốc tế cấm nên sản phẩm khó có được tiếng nói trên thị trường quốc tế. Nghệ nhân Trung cũng cho hay, ông đã thử nghiệm và áp dụng thành công phương pháp sấy khô để xử lý mây tre đan không dùng hóa chất, tuy nhiên để nhân rộng phương pháp này ra toàn xã thì vấn đề kinh phí chưa đủ đáp ứng.
    
   Theo các nghệ nhân lâu năm, để có một làng nghề phát triển bề vững trước tiên cần phải thực hiện tập trung được khâu xử lý nguyên liệu. Có như vậy thì nguyên liệu mới đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời việc xử lý chất thải ra môi trường mới được quản lý. Tiếp đó là phải tuyên truyền cho người dân hiểu và áp dụng quy cách sản xuất mới, đảm bảo để sản phẩm được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
    
   Hy vọng trong tương lai, bằng việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, làng nghề mây tre đan Phú Vinh sẽ lại được hồi sinh cả về kinh tế và môi trường.
    
Dương Minh