Toàn bộ mẫu nước ở Trạm cấp nước Mỹ Đình II chứa chất gây ung thư

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2014

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 13 mẫu nước lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II mang đi kiểm tra thì cả 13 mẫu đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% mẫu nước được lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II đều có hàm lượng thạch tín (Asen) vượt ngưỡng cho phép. Thông tin khiến hàng nghìn hộ dân ở KĐT Mỹ Đình II hoang mang và phải chi hàng trăm ngàn mỗi ngày để mua nước đóng bình về sinh hoạt.

  Chiếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành năm 2009, giới hạn hàm lượng thạch tín cho phép trong nước chỉ là 0,01mg/l thì 100% các mẫu nước này đều không an toàn về hàm lượng thạch tín. Cụ thể, hàm lượng thạch tín dao động từ 0,018mg/l đến 0,079mg/l. Như vậy, các mẫu nước ở Trạm cấp nước Mỹ Đình II có thạch tín vượt ngưỡng từ 2 - gần 8 lần.
   
  Thông tin này khiến hàng nghìn hộ dân tại Khu đô thị Mỹ Đình II (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) hết sức hoang mang bởi hàng chục năm nay họ đang dùng nguồn nước tại trạm cấp nước Mỹ Đình II. Cụm từ “nước nhiễm asen” đã xáo động cuộc sống của cả khu đô thị này, khi phóng viên đến tìm hiểu tâm trạng của người dân, rất nhiều người tỏ ra bức xúc và lo lắng.
   
   
Trạm cấp nước này buộc phải dừng hoạt động vì nguồn nước bị nhiễm độc.
   
  Anh Vũ Đăng Nam (43 tuổi) ở CT5-DN1 tại khu đô thị Mỹ Đình II cho biết: “Tôi dùng nước của Trạm cấp nước Mỹ Đình II từ năm 2006, cho đến nay đã được 8 năm rồi. Mấy ngày hôm nay, nghe tin nước bị nhiễm asen, gia đình tôi rất lo lắng và đã không dám dùng nước nữa. Giờ gia đình chỉ dùng nước đó để rửa chân tay, còn nước để uống và nấu ăn phải đi mua nước đóng bình, tốn kém lắm.
   
  Trước đây thì chỉ thấy có biểu hiện ngứa ngáy nhẹ, con cái nó ngứa và để lại sẹo chứ chưa thấy biểu hiện gì khác. Vì dùng nước này lâu rồi, nên trong thời gian tới gia đình chúng tôi cũng sẽ đi khám sức khỏe xem có vấn đề gì không”.
   
  Cùng tâm trạng với anh Nam, anh Nguyễn Điệp ở kiot số 5, CT5-DN1 - Khu đô thị Mỹ Đình II - chia sẻ, gia đình anh mới chuyển đến và dùng nước của trạm cấp nước Mỹ Đình II từ năm 2012, khi nghe thông tin nguồn nước này bị nhiễm Asen, gia đình cũng rất lo lắng.
   
   
Hệ thống xử lý nước sạch của công ty HUDS ở trạm cấp nước Mỹ Đình II
   
  Hiện gia đình anh Điệp cũng đã ngừng dùng nguồn nước này và chỉ để rửa ráy, còn nước ăn uống phải đi mua nước đóng bình hoặc ăn cơm ngoài. Hàng ngày, gia đình anh Điệp phải đi sang nhà người thân ở đường Trần Duy Hưng tắm nhờ. “Trong thời gian tới gia đình em cũng phải đi khám sức khỏe cho yên tâm”, anh Điệp nói.
   
  Vẻ mặt nhăn nhó vì phải bỏ tới gần 1 triệu mỗi ngày để mua nước đóng bình về sinh hoạt, chị Ngô Thị Nga (33 tuổi, ở C16, BT6 - Khu đô thị Mỹ Đình II) cho biết, do nhà chị kinh doanh trường Mầm non tư thục tại nhà, nguồn nước bị nhiễm “độc” nên nhiều phụ huynh rất lo lắng cho sức khỏe của con em họ đang gửi tại đây.
   
  "Nghe thông tin nước bị nhiễm Asen, là mình ngừng dùng ngay, chỉ lấy nước đó để rửa chân tay. Nước sinh hoạt mình phải mua nước đóng bình, hôm nay mình mua 20 bình giá mỗi bình là 12.000đ/bình là mất 240.000đồng, cộng thêm tiền cược vỏ đã mất tới gần 800.000 đồng, nhưng nước này khi dùng mình phải đun sôi. Còn nước đóng bình uống trực tiếp mình phải mua loại nước đảm bảo hơn, giá 50.000đ/1 bình."
   
   
Gia đình chị Nga phải bỏ ra gần 1 triệu để mua nước đóng bình về sinh hoạt.
   
  Chị Nga cho biết thêm, việc tắm rửa hàng ngày phải di chuyển đến nhà người thân. Điều mà chị Nga lo lắng nhất là nếu nguồn nước ở đây không được cải thiện, nhiều phụ huynh sẽ tính gửi con ở nơi khác, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chị. Trong thời gian tới, gia đình chị Nga cũng sẽ phải đi tiến hành khám sức khỏe vì gia đình chị dùng nguồn nước từ Trạm cấp nước Mỹ Đình II cũng được 3 năm rồi.
   
  Còn theo thông báo tại tầng 1 của tòa nhà CT5: đã ngừng cung cấp nước từ Trạm cấp nước Mỹ Đình II và sẽ mở van đấu nối với nguồn nước sạch của Nhà máy nước Sông Đà - Hòa Bình để phục vụ Nhân dân. 
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO) xác nhận, công ty sẽ cấp nước cho các hộ dân ở Khu đô thị Mỹ Đình II, nhưng do mới đấu nối nên chỉ cấp được 400m3/ngày đêm, từ ngày hôm nay, sau khi sửa xong đồng hồ sẽ cấp 1.500m3/ngày đêm.
   
   
Người dân mang mẫu nước đi kiểm tra từ tháng 1/2013 và kết quả là nước bị nhiễm độc gấp 3 lần cho phép.
   
  Ông Nguyễn Danh Bằng - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Công ty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS) (là chủ đầu tư xây dựng và cũng là đơn vị quản lý, vận hành Trạm cấp nước Mỹ Đình 2), cho biết: Thực hiện công văn số 4729/SXD-HT ngày 07/07/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty đã dừng việc khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II từ 18h00 ngày 07/07/2014.
   
  Ông Bằng cho biết: “Nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm asen cao thì phải nhờ các nhà khoa học phân tích, còn trạm cấp nước từ trước vẫn thực hiện đúng qui trình vận hành khai thác. Hàng tháng Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội kiểm tra vẫn đảm bảo an toàn. Có khả năng trong thời gian vừa rồi mưa nhiều nên nó ngấm xuống nước ngầm nên bị như vậy. Còn việc có đưa Trạm cấp nước Mỹ Đình II hoạt động trong thời gian tới, hay xử lý như nào còn phải chờ vào quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, cái này chúng tôi không quyết được”.
   
        
Luật sư Trần Đình Triển cho biết:
        
“Sự việc nước sinh hoạt ở Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 nhiễm Asen, là một sự thiếu sót, trước hết trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp cung cấp nước đó là công ty HUDS; thứ 2 là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra vệ sinh môi trường không kiểm định, không thanh tra, không kiểm tra kiểm soát.
        
“Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét mức độ nước không đảm bảo như vậy ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân. Nguồn nước không đảm bảo đó có thể gây bệnh tật hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống mai sau của người dân như thế nào. Đó là vấn đề mà cơ quan nhà nước phải đưa ra con số tương đối chính xác. Từ đó buộc công ty phải bồi thường những tổn hại về sức khỏe người dân. Tùy theo tính chất mức độ cũng cần phải xem xét, xử lý về hành chính, hoặc thậm chí là hình sự đối với những cá nhân thuộc công ty có trách nhiệm cung cấp nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”.
        
"Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
        
    
T.H